Công việc của các bạn là nghiên cứu quy trình canh tác, sản xuất các loại cây, con để chuyển giao quy trình sản xuất cho bà con nông dân. Thu nhập chưa cao nhưng ai cũng rất yêu nghề. “Ôsin” nghiên cứu Bơm nước vào hồ cá xong, Nguyễn Thị Kim Liên (25 tuổi, quê Quảng Nam) khoe: “Tụi mình đã hoàn thiện xong mô hình nuôi cá cảnh và sẵn sàng chuyển giao quy trình nuôi cho người nông dân. Làm việc với cá hoài rồi mê cá luôn, nhiều đêm ngủ nằm mơ cũng thấy toàn cá với cá”. Cái sự mê cá của Liên là những đêm trằn trọc khi cá bệnh phải bỏ giấc ngủ vào khu hồ nuôi chăm sóc. Đến giai đoạn cá sinh nở và tách mẹ thì phải theo dõi từng li từng tí để đảm bảo cho đàn cá “mẹ tròn con vuông”. Liên đã chứng kiến nhiều bạn trẻ lúc mới vào đây làm tâm trạng háo hức, nhưng chỉ sau vài tháng thì bỏ cuộc. “Những ai thật sự say mê nghiên cứu mới làm lâu dài được, còn muốn kiếm tiền thì chịu thua” - Liên bày tỏ. Những trí thức trẻ này vẫn bám trụ với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/tháng, thấp hơn với mức 5-6 triệu đồng của bạn bè cùng trang lứa bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Hết, giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Tuy mức lương không “hot” nhưng nhiều người trẻ vẫn tìm đến đây để được làm việc mình yêu thích. Về lâu dài chúng tôi sẽ có hướng tăng mức thu nhập để các bạn yên tâm nghiên cứu”. Ông Hết cho biết các mô hình nuôi cá cảnh, trồng lan, rau quả... hiện đã được các kỹ sư trẻ hoàn thành xong và mang chào hàng đến nhà nông. Hái quả ở ngày sau Ở khu trồng lan, Hoàng Đắc Hiệt và Nguyễn Định Hướng tỉ mỉ cắt tỉa từng chiếc lá, cọng rễ cho hàng trăm cây lan giống chuẩn bị cho đợt trồng mới. “Bà con nông dân canh tác còn chưa hiệu quả bởi thiếu phương tiện và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Tụi mình mong muốn tạo ra những giá trị cụ thể mang đến cho người nông dân”, Hiệt nói. Hướng thì bày tỏ: “Nhiều lúc cũng bị ám ảnh khi bế tắc ở công đoạn nào đó. Lúc ấy phải thức đêm tìm ra khúc mắc để giải quyết vấn đề. Một người nghĩ không ra thì cả nhóm cùng nhau tìm cách, xong việc mới cảm thấy niềm vui do nó đem lại”. Cạnh khu trồng lan là khu trồng thử nghiệm dưa lê. Anh Tuấn - kỹ sư phụ trách theo dõi kỹ thuật - cắt một trái dưa lê chín vàng để cân đo kiểm tra chất lượng sản phẩm rồi đọc các thông số cho một bạn khác ghi lại: “Độ dày thịt quả 4,1cm, ruột 70g, chiều dài 14,7cm, đường kính trái 13,4cm, trọng lượng 1.305g”. Tuấn cho biết: “Mức đầu tư khi làm nông công nghệ cao đòi hỏi phải nhiều hơn, nhưng bù lại sản lượng, chất lượng và hiệu quả sản xuất thì gấp nhiều lần”. Theo Tuấn, làm nông ứng dụng công nghệ cao như tưới nước nhỏ giọt, canh tác trong nhà màn, trồng cách thủy... nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, chất lượng cao ngày càng trở nên phổ biến và đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân. Nhiều nơi ở nước ta như Đà Lạt (Lâm Đồng), Củ Chi (TP.HCM)... đang phổ biến cách sản xuất này và tương lai đó là xu hướng tất yếu cho nền sản xuất nông nghiệp. Tại các khu sản xuất khác như trồng rau sạch, nấm ăn, cây kiểng, chế phẩm sinh học..., ở đâu cũng thấy bóng những người trẻ lặng lẽ làm việc. Đồng tiền kiếm được càng nhiều càng quý, nhưng ở đây mục tiêu xa hơn của các bạn là tạo ra những sản phẩm có giá trị cao rồi hoàn thành mô hình sản xuất để giới thiệu, chuyển giao cho nhà nông.
|