TS. Trần Thanh Nam – Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, thời điểm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là trên 190 ngàn ha, trong đó hơn 90% là đất lúa nhưng tổng sản lượng chỉ đạt khoảng trên 400 ngàn tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán canh tác một vụ lúa mùa, lại làm theo hình thức quảng canh nên năng suất thấp. Do đó, không ít hộ thường lâm cảnh thiếu đói, nhất là đói ăn lúc giáp hạt, nhà nước phải hỗ trợ cứu đói để ổn định đời sống người dân.
Thấy được những hạn chế này, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích sản xuất. Song song đó là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh việc thâm canh, tăng vụ, thay giống lúa mùa bằng các giống cao sản, ngắn ngày… Từ đó, đã làm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người nông dân. Với những quyết định đúng đắn này, năng suất lúa của tỉnh đã liên tục tăng lên theo từng năm và cơ bản đã giải quyết được nhu cầu lương thực của người dân.
Trong những năm gần đây, Kiên Giang còn tập trung đầu tư mạnh cho chương trình xã hội hóa (XHH) công tác giống, hỗ trợ nông dân mua máy móc nông nghiệp, nhất là máy gặt đật liên hợp, máy sấy lúa… để giảm tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch. Riêng chương trình XHH công tác giống với sự tham gia chủ lực của 2 đơn vị là Trung tâm KK-KN và Trung tâm giống của tỉnh đã giúp hàng ngàn hộ nông dân chủ động được nguồn giống chất lượng phục vụ sản xuất. Với cách làm này, 70% diện tích lúa của tỉnh đã được nông dân gieo sạ bằng các giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Một trang sử mới đã thật sự mở ra đối ngành nông nghiệp Kiên Giang kể từ khi chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau và hệ thống các công trình thoát lũ ra biển Tây của Chính phủ được thực hiện. Kênh đào tới đâu, đất trồng lúa mở theo tới đó. Nhiều diện tích đất hoang hóa trước đây đã được người dân khai hoang, phục hóa đưa vào sản xuất lúa 2 vụ. Diện tích tưới tiêu cũng tăng theo, từ đó đã tạo điều kiện cho nhiều nông dân đầu tư thâm canh, tăng năng suất. Nếu như năm 1999 sản lượng lúa của tỉnh mới chỉ đạt mốc 2 triệu tấn thì 7 năm sau con số này đã là 3 triệu tấn. Hiện nay, Kiên Giang đã trở thành tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước và giành ngôi vị á quân về sản lượng (đứng sau An Giang).
Ngoài ra, còn phải kể đến sự nhạy bén của chính quyền địa phương trong việc vận dụng các chính sách phát triển nông nghiệp, hỗ trợ nông dân… Hiện nay, Kiên Giang là tỉnh duy nhất trên địa bàn cả nước có mô hình tổ kinh tế kỹ thuật phủ kín khắp các xã, phường thị trấn nông nghiệp. Đây là cách làm đầy linh hoạt và sáng tạo nhằm đưa cán bộ khuyến nông về cơ sở. Mỗi tổ được bố trí 3 cán bộ, có nhiệm vụ chuyển giao những tiến bộ sản xuất mới cho bà con nông dân, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả để nông dân học tập kinh nghiệm… Đồng thời, là những người trực tiếp cùng nông dân phát hiện sớm và khống chế kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Nhờ đó mà nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra các loại dịch bệnh lớn, góp phần bảo vệ mùa màng và giữ vững năng suất theo kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch, năm 2010 Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng 3,41 triệu tấn lúa. TS Nam cho biết, để đạt mục tiêu này, ngành sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương phải bám sát lịch thời vụ. Đây là yếu tố tiên quyết giúp hạn chế được dịch bệnh, góp phần tạo nên những vụ mùa thắng lợi.
Song song đó là việc đẩy mạnh chuyển giao, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng đồng bộ các biện kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạ giá thành, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế. Tập trung mở rộng thêm diện tích sản xuất (khoảng 2.000 ha) ở những vùng điều kiện thủy lợi đã cho phép, chủ yếu là huyện mới vùng biên giới Giang Thành thuộc khu vực Tứ giác Long Xuyên. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nông dân như hỗ trợ giá giống cho các vùng bị nhiễm mặn, hạn hán, hỗ trợ bơm tát cho các vùng ngập sâu… Phối hợp cùng với các Cty kinh doanh lương thực ký kết hợp đồng mở rộng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và bao sản phẩm cho bà con nông dân. Với cách làm này, những kỳ tích về cây lúa ở Kiên Giang sẽ tiếp tục được nông dân và ngành nông nghiệp địa phương duy trì và phát triển.