Qua gần 2 năm, cảnh quan ở Đông Bạn đã hoàn toàn đổi khác. Những cồn cát đã biến mất mà thay vào đó là những vườn cây, đàn gà, đàn lợn… đang phát triển sinh sôi nảy nở theo thời gian; thấp thoáng dưới những rặng cây xanh là những ngôi nhà ngói đỏ khang trang đang thi nhau mọc lên. Tất cả như một minh chứng cho sự đổi thay to lớn trên vùng hoang mạc hoá ven biển này.
Làng sinh thái Đông Bạn thuộc dự án “Xây dựng mô hình phát triển bền vững trên vùng cát hoang mạc hoá ven biển” do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ được Liên hiệp Hội khoa học Hà Tĩnh triển khai từ tháng 5/2007, với tổng kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng. Đến nay, dự án đã hỗ trợ trồng hơn 40ha cây keo lai, quy hoạch xây dựng nhà ở, hệ thống đường sá và các công trình phụ trợ cho 15 hộ dân tham gia dự án. Ngoài ra dự án còn tổ chức nhiều hoạt động tham quan học tập kinh nghiệm và các lớp tập huấn trang bị kiến thức cho người dân địa phương về phát triển kinh tế bền vững trên vùng hoang mạc hoá.
Nhờ sự đồng thuận từ chủ trương, biện pháp kỹ thuật đến tổ chức thực hiện của một cộng đồng bao gồm nông dân và lãnh đạo xã Thạch Văn, cán bộ kỹ thuật nhiều ngành trong tỉnh, sự kết hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, và được lãnh đạo tỉnh quan tâm thường xuyên, thành công bước đầu khá rõ nét. Qua gần 2 năm, cảnh quan đã hoàn toàn đổi khác. Những cồn cát trắng xám nhấp nhô do khai thác quặng titan nhiều lần trước đây đã dần biến mất, mà thay vào đó là những rừng cây, những ao hồ, chuồng trại, những luống hoa màu thắm mướt một màu xanh. Có những cây trồng cho năng suất chẳng kém gì trên đất thuần thục. Có hộ nuôi 40 con lợn vừa nâng cao thu nhập, vừa có nguồn hữu cơ lớn để cải tạo đất. Cây keo lai mới đầy năm mà đã xanh tốt, bình quân chiều cao gấp 5 lần so với nhiều vùng lân cận, giống như cây đã 5 năm tuổi. Những ngôi nhà ngói kiên cố mới xây, những giếng nước ngọt trong vắt, những nông sản thu được với năng suất đáng ngạc nhiên là những minh chứng về sự đồng thuận cần có trong mọi hoạt động xã hội và càng hứa hẹn hơn cho người dân nơi đây khi đem tâm huyết, mồ hôi công sức để đổi lấy màu xanh từ hoang mạc cát.
Những yếu tố hạn chế năng suất cây trồng có liên quan tới độ phì nhiêu thực tế đã được phát hiện và khắc phục, đồng thời không hề say sưa với kết quả bước đầu nên đã dự báo những tác động tiêu cực có thể phát sinh trong tương lai khi các khu công nghiệp cận kề không giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, đứng hàng đầu là hiện tượng hạ thấp mực nước ngầm cũng như không liên tục bồi dưỡng cho đất chất hữu cơ lấy từ nhiều nguồn khác nhau vì cường độ khoáng hóa rất mạnh, chỉ sau một năm đã không còn tồn tại.
Từ làng sinh thái Đông Bạn - Thạch Văn đang mở ra một hướng đi cho bà con nông dân các vùng ven biển đang thiếu đất canh tác trong khi đó diện tích đất cát bị hoang hoá ngày một nhiều, góp phần ổn định và dần nâng cao cuộc sống của bà con nơi đây.