00:00 Số lượt truy cập: 2999208

Lãi 1 triệu đồng/cây dừa 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm gần đây, giá dừa trái liên tục tăng do cung không đủ cầu. Hiện tại, mỗi cây dừa đang trong thời kỳ cho trái nông dân có thể thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm. Trong khi đó, trồng dừa tốn rất ít công chăm sóc.


Giá tăng mạnh

Dừa là loại cây trồng đã gắn bó với người dân ĐBSCL từ rất lâu. Dừa không chỉ được người dân một số địa phương trồng thành vườn chuyên canh như ở Bến Tre, Tiền Giang… mà còn được trồng rải rác ở rất nhiều nơi. Ở ĐBSCL, hầu như đi đâu cũng thấy bóng dừa. Trái dừa tươi là nguồn thức uống tự nhiên bổ dưỡng. Còn dừa khô là nguồn nguyên liệu thiết yếu để chế biến bánh, kẹo, mứt… Ngoài ra, các bộ phận khác của cây dừa như lá, thân cây còn được làm thành các mặt hàng thủ công mỹ nghệ rất có giá trị.

Mặc dù có nhiều tính năng thông dụng như vậy nhưng có thời gian cây dừa ít được chú trọng. Hơn nữa, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là ở các địa phương ven biển chuyển sang nuôi tôm đã khiến diện tích trồng dừa sụt giảm rất nhanh. Trong khi đó, nhu cầu dừa nguyên liệu ngày càng tăng cao đã khiến giá dừa không ngừng tăng lên.

Hiện tại, giá dừa tươi thương lái thu mua tại vườn từ 80.000-100.000 đồng/chục, dừa dứa lên đến 140.000-160.000 đồng/chục. Dừa khô ở mức 120.000-130.000 đồng/chục. Riêng cơm dừa nạo sẵn bán ở các chợ từ 40.0000-42.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, nhà vườn đang có thu nhập khá cao từ cây dừa. Bà Nguyễn Thị Len, một nông dân trồng dừa ở ấp An Thành, xã Bình An, Châu Thành, Kiên Giang cho biết, hiện giá dừa đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Mỗi tháng, 1 ha dừa có thể cho thu hoạch khoảng 1.000-1.500 trái. Trừ công chăm sóc, công thuê người hái, nhà vườn còn lãi từ 7-8 triệu đồng.

Anh Hải, một thương lái chuyên đi thu mua dừa cho biết, giá dừa khô năm nay tăng cao là do nhu cầu dừa nguyên liệu phục vụ chế biến bánh, kẹo, làm cơm dừa nạo sấy, sản xuất dầu, chỉ xơ dừa, than hoạt tính đang tăng rất mạnh trong khi sản lượng dừa trái lại bị sụt giảm. Ngoài ra, việc các thương lái tăng cường thu mua dừa nguyên liệu với số lượng lớn để xuất khẩu sang các nước trong khu vực đã góp phần làm cho giá dừa liên tục leo thang.

Sốt giống mới

Trước đây, nông dân trồng dừa chủ yếu tự để giống là chính nên chất lượng không cao. Hơn nữa, các giống dừa truyền thống thường phải trồng từ 5-6 năm mới cho trái. Tuy nhiên, với các giống dừa mới hiện nay nếu được chăm sóc tốt thì chỉ cần 2,5-3 năm là đã bắt đầu cho trái. Do đó, nhiều người đã tìm mua các giống dừa mới để trồng. Nông dân cho biết, hiện giá dừa giống đã tăng mạnh và rất khó mua. Nhiều người phải đặt hàng trước 3-4 tháng mới mua được giống.

Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Trung tâm giống nông nghiệp Hậu Giang cho biết, hiện giống dừa xiêm lùn trung tâm đang bán ra là 38.000 đồng/cây, tăng 13.000 đồng/cây so với năm ngoái. Còn dừa dứa cũng tăng từ 50.000 lên 60.000 đồng/cây.

Ông Trần Văn Trắng, Chủ tịch UBND xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, Hậu Giang cho biết, mấy năm nay nhiều nông dân trong xã đã tích cực trồng dừa để thay thế vườn tạp kém hiệu quả. Để bà con nắm vững kỹ thuật trồng dừa, xã đã tổ chức cho nông dân đi tham quan học hỏi mô hình trồng dừa dứa ở tỉnh Kiên Giang. Thấy hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư trồng dừa. Hai năm qua, toàn xã trồng thêm được gần chục ha dừa, chủ yếu là giống dừa mới. Hiện nhiều người cũng muốn mở rộng thêm diện tích nhưng tìm mua giống dừa rất khó.

Tương tự, tại Kiên Giang, nhiều cơ sở kinh doanh ươm dừa giống không kịp cung cấp cho dân. Có người đã đặt hàng mấy tháng nhưng vẫn không mua được. Thậm chí dừa giống mới chỉ nhú mầm cao khoảng 6-7 cm là đã có người đến vét sạch. Ông Tư Nghị, có 5 ha đất nuôi tôm ở huyện Kiên Lương, thấy bờ vuông rộng bỏ không nên tìm mua giống dừa trồng xung quanh. Ông Nghị cho biết: “Để mua được 300 cây dừa giống tôi phải liên hệ rất nhiều nơi và phải gom 2-3 đợt mới đủ. Thậm chí phải chấp nhận lấy cả dừa mới nhú mầm. Năm ngoái, giá dừa xiêm lùn chỉ 25.000 đồng/cây nhưng năm nay phải mua với giá 35.000 đồng/cây”.