Nhưng làm sao để các giải pháp kích cầu thị trường nông thôn thực sự có hiệu quả?
Đó cũng chính là vấn đề được Hội thảo khoa học quốc gia “Ngăn chặn suy giảm kinh tế Việt Nam” do Trường
đại học Kinh tế quốc dân, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 9/5. Tại hội thảo, các ý kiến đều nhận định, cần phải có những chính sách nhanh, mạnh, trúng và đúng liều lượng cho khu vực này.
Kích cầu hướng vào tam nôngChủ trương này cũng vừa được Chính phủ cụ thể hóa bằng gói kích cầu dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng cho khu vực nông thôn.
Theo đó, các khoản vay mua máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp, khách hàng được vay 100% giá trị hàng hóa và được hỗ trợ 100% lãi suất, riêng máy vi tính chỉ được vay không quá 5 triệu đồng/chiếc đối với khu vực này.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất 4% với mức vay tối đa 100% giá trị hàng hóa nhưng không quá 7 triệu đồng/ha đối với vật tư sản xuất nông nghiệp, không quá 50 triệu đồng đối với vật liệu làm nhà ở nông thôn...
GS.TS Nguyễn Kế Tuấn (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, việc hướng vào thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường nông thôn không chỉ là giải pháp mang tính tình thế, đối phó với những khó khăn trước mắt của nền kinh tế mà còn là giải pháp mang tính chiến lược, bảo đảm sự phát triển có hiệu quả và bền vững.
Đồng tình với quan điểm của GS.TS Tuấn, PGS.TS Vũ Đình Thắng, Trưởng khoa Bất động sản và kinh tế tài nguyên cho rằng việc hỗ trợ đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong quá trình thực hiện gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ có 4 lý do:
Thứ nhất, đây là khu vực giữ ổn định cho nền kinh tế khi gặp khó khăn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế;
Thứ hai, nông thôn là nơi tạo ra việc làm nhanh, đặc biệt cho những lao động mất việc phải rời khỏi khu vực phi nông nghiệp.
Thứ ba, nông thôn là thị trường tiêu thụ lớn với 70% dân số.
Thứ tư, việc kích cầu vào khu vực này sẽ giảm bớt sự chênh lệch với thành thị, đảm bảo ổn định xã hội.
Ngoài ra, theo PGS Thắng: “Tăng tiêu dùng 1 đồng ở khu vực nông thôn sẽ kích thích tăng sản xuất 1,622 đồng, trong khi ở thành thị chỉ là 1,400 đồng”.
Làm sao để vừa “đúng”, vừa “trúng”Để giải quyết bài toán này, theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, để gói kích cầu hỗ trợ lãi suất cho nông dân đạt hiệu quả, phải xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi, mức ưu đãi. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần biết bơm vốn vào địa chỉ nào, mức độ bao nhiêu là hợp lý.
Đối với nông dân, các điều kiện vay, thủ tục, giấy tờ chứng minh nên có sự thông thoáng hơn, không nên áp dụng điều kiện cho vay như với doanh nghiệp.
Các ngân hàng thương mại trong quá trình thực hiện cũng nên mạnh dạn, sớm kiến nghị những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để Ngân hàng Nhà nước có thể giải quyết kịp thời, không nên quá thụ động, vì như vậy sẽ làm giảm hiệu quả của gói kích cầu, gây khó khăn cho nông dân cũng như tuột mất cơ hội tốt đặt chân vào thị trường nông thôn.
“Triển khai được những điểm này sẽ đảm bảo lưu thông vốn hiệu quả cho thị trường nông thôn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu kích cầu của Chính phủ”, ông Kiêm nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Kế Tuấn nhấn mạnh, để gói kích cầu, hỗ trợ lãi suất cho nông dân phát huy hiệu quả thì phải hết sức chú ý đến những đặc điểm của nông thôn Việt Nam.
Theo GS.TS Tuấn, so với mặt bằng chung, thu nhập của người dân nông thôn hiện nay phổ biến là thấp, họ thường tính toán hết sức chặt chẽ cho mỗi khoản chi tiêu, luôn tiết kiệm để có một khoản dự phòng cho những bất trắc trong sản xuất và đời sống.
Chính vì lẽ đó nên nhu cầu phổ biến của người dân ở các vùng nông thôn là các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có chất lượng vừa phải, giá cả trung bình.
Ngoài ra, GS. Tuấn cho rằng cần phải có thêm những chính sách hỗ trợ cụ thể cho nông thôn như xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gồm: các công trình thủy lợi, đê điều, hệ thống giao thông, mạng lưới điện, cung cấp nước sạch...; quản lý chặt chẽ giá vật tư nông nghiệp và tổ chức mạng lưới phân phối, ưu đãi và trợ cấp về giá, khắc phục tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép gía.
“Các chính sách đồng bộ như vậy sẽ giúp gói kích cầu đạt hiệu quả cao nhất đối với khu vực nông thôn”, ông Tuấn nói.