Người ta nói nhiều đến vai trò then chốt trong sản xuất hàng hóa nông – thủy sản ĐBSCL có tính chất “vựa” như: vựa lúa gạo, vựa thủy sản, vựa trái cây… ĐBSCL cũng là nơi nuôi gia súc gia cầm mạnh trong cả nước. Tuy nhiên, sản lượng chưa đi liền với thương hiệu. Những kẻ làm ăn gian lận vẫn bán hàng không đảm bảo chất lượng, khiến giá nông sản của “vựa” trồi sụt như con nước…
Một thời người dân ĐBSCL có câu nói cửa miệng: Ra chợ gặp hàn the! Không chỉ người buôn bán bỏ hàn the vào các loại cá, mà có khi “chơi” cả phân urê vào cá để giữ cá tươi lạnh. Tình trạng này gần đây đã giảm, song không ai loại trừ khả năng hàn the vẫn tồn tại trong các mặt hàng cá tươi sống, giò chả, bán rong. Ngay cả khi cúm gia cầm H5N1"yên lặng”, người ta vẫn thấy lo ngại khi gia cầm không có dấu tím của cơ quan thú y bán tràn lan, thậm chí nhìn thấy “dấu tím” đôi khi cũng tỏ ra dè dặt: không biết thực hay giả! Nguyên nhân này có phần lỗi do sự yếu kém và thiếu nhân lực của cơ quan chức năng. Lòng tin của người tiêu dùng đã có lúc bị “tổn thương”. Giờ đây, khi cuộc sống và thu nhập được cải thiện, người tiêu dùng đang nghiêm khắc và chọn lựa các mặt hàng đảm bảo chất lượng. Không phải ngẫu nhiên mà người tiêu dùng đến các siêu thị mua sắm ngày càng nhiều hơn. Đơn giản theo họ, là tiêu chuẩn chất lượng ở đây an toàn hơn và thuận tiện mua cùng lúc nhiều mặt hàng! Nhìn lại, chất lượng các mặt hàng nông – thủy sản trong vùng đều có vấn đề. Trước vấn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, vừa qua Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phải phát động chương trình Doanh nghiệp nói không với tôm chích tạp chất. Qua chương trình này, tình hình đã được cải thiện. Tuy nhiên, vấn nạn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín tôm xuất khẩu Việt Nam. “Doanh nghiệp chuyên kinh doanh thủy sản, chẳng ai dại bơm chích tạp chất vào tôm. Chúng tôi biết các đại lý có bơm chích tạp chất, nhưng không mua thì không có nguyên liệu, còn mua về phải dụng công để chế biến lại rất tốn kém” – một doanh nghiệp ở Cà Mau thừa nhận. Có ý kiến cho rằng, hiện khung pháp lý chưa đủ mạnh để ngăn chặn việc làm này! Vài năm trở lại đây, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL đã có chuyển biến theo hướng nâng dần trình độ công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản lúa gạo lên mức tiên tiến trong khu vực. Người nông dân bắt đầu coi trọng chất lượng, giá trị và lợi nhuận hơn là nâng cao số lượng sản phẩm, chú ý giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh. Đã có nhiều mô hình lúa sạch, lúa hữu cơ hiệu quả về kinh tế và môi trường cao. Người nông dân đã biết chọn đất, mùa vụ thích hợp để trồng các loại lúa đặc sản địa phương, có giá bán cao 1,5 - 1,7 lần so với lúa thường. Nông dân đã có giải pháp nâng cao chất lượng lúa gạo để tiếp cận và thích ứng với thị trường tiêu thụ gạo cao cấp. Bước đầu nông dân tạo lập mối liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng như trường hợp sản xuất lúa Nhật ở An Giang. Vụ lúa đông xuân 2009 – 2010, An Giang sẽ trồng 7.000 ha lúa Nhật. Theo đó, Công ty Kitoku Sinryo (Nhật Bản) bao tiêu toàn bộ lúa hàng hóa với giá 7.800 đồng/kg. Nếu nông dân sản xuất lúa hàng hóa đạt chất lượng cao sẽ được công ty thưởng thêm 200 đồng/kg. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp cá biệt, đa số lúa – gạo ở ĐBSCL chưa tạo được thương hiệu như trường hợp gạo Nàng Hương hay Chợ Đào… Trong khi đó, với khoảng 300.000 ha trái cây với nhiều chủng loại phong phú và đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình, sầu riêng Chín Hóa… ĐBSCL vẫn chưa có những vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, chuyển đổi còn thiếu tính ổn định và ẩn chứa nhiều rủi ro sâu bệnh, thời tiết và giá cả thị trường. Nhà vườn còn trồng cây mang tính tự phát, ít hợp tác, chưa tạo được sản phẩm đồng chất lượng quy mô tập trung để mở rộng thị trường, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn thấp. Cách đây hơn 2 năm, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) phối hợp với Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam cùng Tổ chức GTZ (Đức) hỗ trợ HTX sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn Eurep GAP (Global GAP). Qua nhiều lần kiểm tra nghiêm ngặt, vừa qua, Tổ chức Đánh giá thẩm định tiêu chuẩn quốc tế (SGS) tại Việt Nam đã chính thức cấp cho HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP đối với 26 hộ tham gia trên diện tích 23,49 ha.
Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Trái cây Việt Nam và Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã thành lập “Ban điều hành liên kết sản xuất tiêu thụ trái cây an toàn Sông Tiền “GAP Sông Tiền” gồm 6 tỉnh, thành ĐBSCL và TPHCM. Theo đó, đẩy mạnh củng cố các HTX trái cây, nâng cao kỹ thuật canh tác, giống, nâng cao bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Sản xuất trái cây đạt yêu cầu gắn với thị trường “theo tiêu chuẩn GAP”, số lượng lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Sự ra đời của liên minh GAP Sông Tiền là một tín hiệu tích cực cho vùng cây ăn trái ĐBSCL. Tuy nhiên, chương trình này vẫn chưa lan tỏa trên quy mô lớn. Tình trạng nông dân ĐBSCL trồng cây ăn trái, trồng lúa lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không phải là ít. Vấn đề này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu. Các nhà khoa học hàng đầu ở ĐBSCL đều nhận định: Tổ chức lại sản xuất cho nông dân trồng lúa, trồng cây ăn trái đang là vấn đề cấp bách. Việc tổ chức sản xuất phải gắn kết với bao tiêu, tạo lập thương hiệu để có “giấy thông hành” tin cậy ngay tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Trên cơ sở tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất để có thể truy nguyên nguồn gốc hàng hóa theo yêu cầu khách hàng. “Đồng hành” với quá trình này là tạo lập hệ thống kiểm soát, quản lý chặt chất lượng hàng hóa ngay từ đầu vào và ở các chợ bán buôn… Đây là con đường tất yếu, nhiều thách thức của hàng nông – thủy sản ĐBSCL. | ||||