00:00 Số lượt truy cập: 2999254

Làm giàu bằng nghề nuôi cá quý hiếm trên sông Lô 

Được đăng : 03/11/2016
Để thu được một triệu đồng tiền lãi từ nuôi các loài cá truyền thống (cá trắm, cá mè, cá trôi, cá chép…), một người nông dân có thể phải sử dụng đến hàng trăm m2 ao nuôi, nhưng với anh Nguyễn Hữu Tân, ở tổ 1, phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), chỉ với 3 chiếc lồng nuôi cá, rộng 8 m2 mỗi lồng, trung bình hàng năm đem về cho anh 70-80 triệu đồng tiền lãi.


Anh bắt đầu khởi nghiệp nuôi cá lồng từ năm 1993. Những năm đầu anh nuôi chủ yếu các loài cá truyền thống nên thu lãi không cao. Năm 2003, anh chuyển sang nuôi cá chiên, cá bỗng và hiệu quả đem đến thật bất ngờ. Với giá bán trên thị trường bình quân 450.000 đồng/kg cá chiên và hơn 200.000 đồng/kg cá bỗng, hàng năm chỉ riêng bắt những con cá to để bán anh cũng có được gần 4 tạ cá, trừ chi phí anh còn thu lãi 70 – 80 triệu đồng.

Để nuôi thành công giống cá quý hiếm này, anh Tân đã phải mất gần 2 năm tự mày mò tìm hiểu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Theo anh, việc nuôi hai loài này không quá khó nhưng chỉ cần chọn những nơi nước chảy thường xuyên, không bị ô nhiễm để thả giống. Thức ăn của cá chiên chủ yếu là giun, cá vụn, phế thải của lò mổ, còn cá bỗng ăn tạp hơn nên có thế cho chúng ăn thêm các loại rau xanh. Mật độ thả 500 - 600 con/lồng 8m2. Ngoài ra, cần chú ý phòng trị các loại bệnh thường gặp trên cá như mụn rộp, tụ trùng...

Về nguồn cá giống, anh Tân cho biết, anh thường mua cá giống của ngư dân đánh bắt trên sông, với giá khoảng 300.000 đồng/kg. Nuôi khoảng 2-3 năm, khi cá đạt trọng lượng 4 – 5kg/con anh mới xuất bán.

Hiện nay, anh Tân có 3 lồng cá nuôi trên sông Lô và một thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn và thường phải đặt trước vì nhiều khi anh cũng không có cá để bán. Vụ vừa rồi anh mở hướng thị trường mới, “đem chuông đi đấm nước người”, xuất bán 3 tạ cá bỗng sang Thái Lan, thu hơn 60 triệu đồng. Ngoài bán cá thịt, anh còn bán cá bố mẹ cho Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản 1, Trung tâm Thuỷ sản Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh...

Không chỉ giỏi nuôi cá quý hiếm, anh Tân còn là người có sáng kiến làm ra chiếc lồng nuôi cá bọc bằng ống nhựa, vừa tiết kiệm lại vừa bền. Trước đây, lồng nuôi cá thường được làm bằng tre, gỗ nên chỉ sau vài ba vụ nuôi được là hỏng. Năm 1997, anh Tân đã quyết định cải tiến lồng nuôi để có thể sử dụng được lâu hơn. Anh hàn cố định khung lồng bằng sắt, sau đó cắt ống nhựa thành từng đoạn rồi đem buộc chặt xung quanh lồng. Chi phí cho mỗi chiếc lồng cá rộng 8m2 làm theo cách này chỉ hết 8 triệu đồng. Cứ sau mỗi lứa thu hoạch cá (2-3 năm), anh lại đưa lồng cá lên bờ để bảo dưỡng, cạo gỉ, sơn lại khung sắt. Do vậy, những chiếc lồng cá của anh dùng hơn chục năm vẫn chưa bị hỏng. Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I đánh giá rất cao ý tưởng cải tiến chiếc lồng nuôi cá của anh Tân và đã hỗ trợ anh 7 triệu đồng để thực hiện sáng kiến này, đồng thời phổ biến mẫu lồng nuôi cá cải tiến của anh cho các hộ ở các địa phương khác. Hiện các hộ nuôi cá lồng trên sông Lô (Tuyên Quang) cũng đều làm lồng nuôi cá theo cách của anh Tân.

Tuy nhiên, có một điều hạn chế khi nhân rộng mô hình nuôi các loài quý hiếm trong lồng, đó là nguồn cá giống ngày càng khó kiếm do người dân đánh bắt cá ngoài tự nhiên theo kiểu hủy . Vì vậy, rất cần thiết nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loài cá quý hiếm này để có thể chủ động cung cấp cá giống cho người nuôi.