00:00 Số lượt truy cập: 2998468

Làm giàu nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi 

Được đăng : 03/11/2016

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của xã theo hướng đa dạng và chuyên canh nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, anh Nguyễn Đình Huy, hội viên nông dân Chi Hội Phú Ngạn, xã Cam Thanh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng rau màu sang trồng cây ăn quả, bước đầu cho thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống.


Với diện tích đất nông nghiệp hẹp, canh tác theo phương pháp quảng canh truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp nên sau khi theo học các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương, gia đình anh quyết định chuyển 03 sào đất trồng các loại cây hoa màu như sắn, mè, đậu lạc… sang trồng ổi, cam, bưởi với mục đích tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Bước đầu gia đình anh khó khăn trong việc chọn cây phù hợp với đất, phương thức canh tác, quy hoạch, đầu ra sản phẩm ổn định…để vay vốn đầu tư. Năm 2014, anh vào tỉnh Bến Tre, học tập mô hình trồng ổi không hạt giống nhập từ Đài Loan. Được biết loại ổi không hạt trồng phù hợp với mọi loại đất, đặc biệt đất phù sa ven sông của các vùng trung du, đồng bằng. Anh quyết định mua gần 80 cây ổi giống với giá 55.000đ/cây về trồng thử nghiệm ở vườn nhà. Vườn ổi gia đình anh đến nay hơn 02 năm tuổi đã cho thu hoạch. Mỗi năm thu hoạch từ 5 - 6 đợt bán ra thị trường, sản lượng đạt 250 - 300 kg/đợt, giá bán từ 18.000 - 20.000đ/kg, thu nhập sau mỗi đợt ước đạt  6 - 7 triệu đồng.


Anh Huy chăm sóc vườn ổi. 

Về kỹ thuật trồng ổi anh Huy tâm sự: Trồng ổi, khó khăn nhất là khâu chăm sóc, đặc biệt phải có mặt thường xuyên trong khoảng thời gian ổi đậu quả đến khi thu hoạch. Khi ổi đậu quả, phải tự tạo các bọc vải mềm để bao bọc, tránh tối đa các sinh vật châm, đốt gây thối hỏng. Mặt khác, cần đầu tư phân bón, nước tưới, ủ gốc để giữ độ ẩm, thu hoạch xong thì phun thuốc phòng trừ mầm bệnh, tuyệt đối không bơm thuốc trực tiếp khi có bệnh phát sinh ở giai đoạn chờ thu hoạch vì ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tiến hành cắt cành, tỉa lá, khi ổi đậu quả để tập trung dinh dưỡng nuôi quả nhanh to, đảm bảo thu hoạch đúng thời kỳ. Về ưu điểm, giống ổi không hạt được nhân giống bằng phương pháp giâm cành nên thời gian thu hoạch nhanh, quả nhiều, chất lượng ngon, năng suất cao hơn các giống ổi ở địa phương. Bên cạnh đó, trong diện tích đất quy hoạch chuyển đổi trồng cây hoa quả của gia đình, trồng thử nghiệm thêm 500 gốc cam sành và 300 gốc bưởi da xanh, đến nay các loại cây đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Cũng như nhiều hộ nông dân khác ở Chi Hội Phú Ngạn, gia đình anh Huy đã đưa các giống lúa chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như TBR225, Thiên Ưu 8, Gia Lộc 105…vào canh tác. Với diện tích 10 sào ruộng lúa, sản lượng ước đạt 4 -5 tấn/năm, cho thu nhập 35 – 40 triệu đồng. Tham gia dự án phát triển đàn bò của huyện Cam Lộ, vợ chồng anh Huy đầu tư trồng 03 sào cỏ VAO6 làm thức ăn cho 04 con bò lai sind, thị trường ưa chuộng. Hướng chăn nuôi này đang được nhân rộng trên địa bàn, bước đầu đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi bò của bà con nông dân theo hướng đầu tư nuôi con giống có chất lượng từ giống bò cỏ sang giống bò lai sind ngày càng nhiều. 

Tuy mới thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong những năm gần đây nhưng kinh tế của gia đình anh Huy ngày càng khá giả, tổng thu nhập mỗi năm đạt hơn 180 triệu đồng. Chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền cùng với cách làm chủ động, phù hợp với điều kiện thực tiễn, mang lại thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, mở ra nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa  phương./.