00:00 Số lượt truy cập: 2998121

Làm giàu nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất 

Được đăng : 03/11/2016

Từ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vận động mọi người dân tham gia khai thác, phát huy những tiềm năng thế mạnh của mỗi vùng để phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và quê hương, hiện nay ở nhiều vùng quê của tỉnh Nam Định ngày càng xuất hiện những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Anh Phạm Văn Hoàng ở xóm Trung Phú, thôn Sa Hạ, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng là một trong số đó.


Qua lời giới thiệu của một cán bộ xã Hoàng Nam, chúng tôi tìm đến anh ở một tổ hợp sản xuất gạch ven sông Đáy. Men theo con đương đê có đoạn còn chưa được trải nhựa, chỉ cần một cơn gió nhẹ là dường như khiến cho người đi dường không còn nhìn thấy gì nữa vì bụi bay mịt mù. Vượt qua những cơn gió bụi đó, chúng tôi dường như bị choáng ngợp với quy mô rất rộng của tổ hợp, với hệ thống mái tôn nhựa và vỳ kèo chạy dài và nhiều các loại máy, ô tô, xe máy 3 bánh vận chuyển đất, gạch vào ra liên tục.

Tiếp chúng tôi bên bàn nước, anh chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở Trực Mỹ - Trực Ninh, tuy nhiên trải qua nhiều nghề vất vả nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Thế rồi đến năm 2006, khi đang làm nghề lái xe múc đất, anh nhận thấy tiềm năng các bãi bồi ven sông Đáy chạy dọc xã Hoàng Nam còn đang bỏ trống, gần như chưa được khai thác và sử dụng. Anh quyết định bàn với gia đình đề nghị UBND xã Hoàng Namcho đấu thầu 02 ha đất bãi Khẩn ven sông Đáy trong 10 năm để làm gạch xây dựng và có gia hạn thêm. Với quy mô ban đầu 600 m2 nhà xưởng, 02 lò gạch và một số máy móc thủ công, tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động chủ yếu là nông dân trong xã, với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Thu nhập năm 2007, sau khi trừ các khoản chi phí được trên 150 triệu đồng.


Anh Phạm Văn Hoàng (đứng giữa) đứng trên nóc lò gạch đang cháy, giới thiệu về công nghệ lò đốt HOOCMAN.




Hình ảnh xưởng gạch của anh Phạm Văn Hoàng.


Nhưng cùng với quá trình phát triển chung, quy mô, sản lượng gạch ngày một tăng để đáp ứng nhu cầu của thị trường; khi đốt gạch bằng công nghệ cũ, chủ yếu là thủ công, nên gây ra ô nhiễm môi trường, chủ yếu là khói. Cá biệt năm 2008, khi khói lò gạch làm ảnh hưởng tới lúa và đời sống của nông dân gần đó, anh đã phải đền bù mất 50 triệu đồng. Từ đó anh trăn trở, phải thay đổi công nghệ làm sao để không ảnh hưởng đến lúa và đời sống của nông dân dân gần đó, lại phù hợp với khả năng của mình, trong lúc nguồn vốn đầu tư lại có hạn, quy mô sản xuất vừa phải.

Sau nhiều ngày đi tìm kiếm, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi sản xuất gạch, cuối cùng anh quyết định chọn công nghệ lò đốt gạch HOOCMAN, từ công nghệ của Đức đã được điều chỉnh lại với tên gọi là máy tạo hình cầu Đuống. Nhưng với công nghệ này đòi hỏi tổ hợp sản xuất gạch của anh phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ, điều chỉnh lại quy mô nhà xưởng và xây lò đốt kiểu mới.

Chia sẻ đến lò đốt gạch HOOCMAN, tôi đề nghị anh dẫn đi xem, quả thực tôi hết sức bất ngờ khi anh dẫn lên tận nóc lò gạch đang đốt, đứng ở trên đó nói chuyện bình thường, nhiệt độ chỉ hơi ấm khi đứng cạnh bếp than tổ o­ng nhỏ mà thôi. Anh còn nhấn mạnh “Dưới chỗ ta đang đứng đang có khoảng 2 vạn gạch đang cháy”. Công nghệ này có khá nhiều ưu điểm là lượng nhiệt đốt ban đầu không lớn sau đó dùng sức nóng tuần hoàn theo chu trình khép kín; lượng khói tỏa ra rất ít và được một hệ thống mương nước xây ngầm bên dưới làm mát dần và qua một máy hút thu gom lại đưa ra ống khói và đẩy ra ngoài, lúc đó chỉ còn làn khói trắng nhẹ bay bay.

Để có được cơ sở như hiện nay, anh đã đầu tư xấp xỉ 10 tỷ đồng, trong đó riêng xây lò và dây truyền làm gạch đã ngốn gần 3 tỷ đồng, ngoài ra là các loại máy từ đào đất, vận chuyển và một số xe mini chở gạch chuyên dụng và nhất là hệ thống mái tôn nhựa che phủ khoảng 8.000 m2, chỉ riêng phần mái che của lò gạch đã là 2.000 m2.

Quy mô lò gạch hiện nay của anh đang hàng ngày cho ra lò khoảng trên dưới 3 vạn viên gạch và một chu kỳ đốt lò bắt đầu và kết thúc trong khoảng 1 tháng, vòng tuần hoàn gạch với độ dài vòng tròn khoảng 100 m dài, được chia làm 3 ô lớn, gạch liên tục vào ra khoảng 100 vạn viên gạch. Quan trọng hơn tổ hợp của anh đã và đang tạo việc làm cho khoảng 80 lao động địa phương với thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Anh ước tính thu nhập của tổ hợp năm nay đạt khoảng 500 triệu đồng.

Hiện nay sản phẩm của anh đang có mặt ở rất nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, bởi vị trí nằm sát sông Đáy rất thuận tiện trong việc chuyên trở bằng đường thủy và góp phần giúp cho gạch có giá cạnh tranh hơn. Anh chia sẻ thêm, với trách nhiệm của người đấu thầu, anh luôn hoàn thành trách nhiệm đúng quy định với UBND xã Hoàng Nam; với các cơ quan thuế, môi trường và tham gia đóng góp ủng hộ các quỹ của địa phương phát động. Nhưng điều anh tâm đắc nhất là anh đã và đang khai thác và phát huy tiềm năng ở nơi này, tạo được nhiều việc làm cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Anh cũng mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục được đầu thầu thời gian dài hơn để yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh và được tiếp cận các nguồn vốn vay với thủ tục nhanh chóng và thuận tiện để ý tưởng tiến tới thành lập công ty trở thành hiện thực. Chay tay anh ra về, chúng tôi chúc cho tổ hợp của anh ngày một phát triển và những ý tưởng làm giàu của anh sẽ ngày trở thành hiện thực./.

Đặng Hà