Là nông dân đầu tiên thực hiện mô hình trồng hồ tiêu mang lại hiệu quả cao trên đất Hoài Nhơn, ông Nguyễn Tình ở thôn Hội Phú, xã Hoài Hảo chia sẻ: “Từ suy nghĩ cần phải thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cụ thể là chuyển những cây trồng kém hiệu quả như điều, mỳ sang trồng hồ tiêu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mình, vừa để bà con ở địa phương tham quan học hỏi để cùng thực hiện”.
Với suy nghĩ đó, bản thân ông cũng đang sở hữu 8 ha cà phê ở xã Ia H’Lốp, huyện Chư Sê – đây được xem là thủ phủ cà phê và hồ tiêu của tỉnh Gia Lai, nên ông có điều kiện tham quan, học hỏi bạn bè cách trồng và chăm sóc hồ tiêu.
Với sự giúp đỡ tận tình của những người bạn là người có kinh nghiệm trồng hồ tiêu ở Chư Sê, năm 2009, sau khi thu hoạch xong cà phê, ông gom tiền mua giống về quê chuyển 500 m2 đất đang trồng điều kém hiệu quả sang trồng 100 trụ tiêu.
Theo ông Tình, để trồng 100 trụ tiêu, năm 2009 ông đầu từ 30 triệu đồng, trong đó giống 4 triệu, tiền đúc trụ bê tông khoảng 20 triệu, còn lại là đầu tư mua phân bón.
Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, cây tiêu phát triển khá tốt, ông Tình tiếp tục đầu từ trồng thêm 150 trụ tiêu. Điều thuận lợi là lứa tiêu trồng đợt này ông tận dụng nguồn giống tại chỗ. Vì tiêu trồng chăm sóc hơn 1 năm là có thể cắt làm giống.
Chỉ tính riêng năm 2012, với 250 trụ tiêu, ông thu được 8 tạ tiêu, với giá bán 13,5 triệu/tạ, gia đình ông thu trên 100 triệu đồng. Được biết, ngoài thu hoạch tiêu hạt, ông Tình còn bán cây giống. Với giá bán hiện nay 25.000 đồng/dây, mỗi trụ một năm cắt 20 giây cũng cho gia đình ông khoảng thu nhập khá.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng tiêu hiệu quả, ông Tình bộc bạch: để trồng tiêu thành công việc chọn giống tốt có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng và khả năng đề kháng với dịch bệnh sau này. Mặt khác, phải chọn những giống có nguồn gốc rõ ràng, đã kiểm định được năng suất và khả năng kháng dịch bệnh, chống chịu với điều kiện bất lợi của môi trường. Và phải chọn dây đã già cứng cáp có nhiều mắt rễ bám thì cây sẽ phát triển tốt hơn. Cắt lấy khoảng 3-4 mắt, chiều dài tối ưu là 30 - 40 cm tùy vào khoảng cách của mắt dây.
Ông Tình cho biết, nhìn những vườn tiêu bạt ngàn ở nơi đất khách quê người, ông đã có ý định sẽ chuyển đổi một số diện tích đất của gia đình đang trồng điều và mì kém hiệu quả sang trồng tiêu, biết đâu vùng đất, khí hậu ở địa phương mình lại hợp với loại cây trồng khó tính này; mặt khác giá cả tiêu luôn ổn định, đem lại thu nhập khá cho người trồng, nên đã thôi thúc ông phải thực hiện ngay ước nguyện này. Và những suy nghĩ táo bạo đó đã giúp cho gia đình ông thành công.
Cùng với nỗ lực vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Tình luôn truyền đạt lại kiến thức và kinh nghiệm mà mình tích lũy được cho bà con nông dân ở địa phương có mong muốn phát triển hồ tiêu, góp phần thay đổi diện mạo ở nông thôn, từng bước ổn định cuộc sống.
Tham quan vườn tiêu hiện được hơn 3 năm với hơn 600 gốc tiêu lớn nhỏ được trồng ngay hàng thẳng lối trên diện tích hơn 2.500 m2, chúng tôi thầm cảm phục ý chí làm giàu của người nông dân chân chất này.
Ông Huỳnh Đăng Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Hảo cho biết: “Ông Nguyễn Tình là hộ nông dân đầu tiên của xã Hoài Hảo đã mạnh dạn đưa cây tiêu ở Gia Lai về trồng tại địa phương mang lại hiệu quả cao. Từ thành công bước đầu, đến nay đã có 44 hộ nông dân trong xã đã học tập và chuyển một số diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng tiêu. Hội Nông dân xã đã tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho những hộ đang trồng và có ý định trồng hồ tiêu; hỗ trợ vốn và tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm những hộ trồng hồ tiêu có hiệu quả để cùng nhau phát triển”.
Có thể thấy rằng, việc trồng tiêu trên vùng đất mới Hoài Hảo bước đầu mang lại hiệu quả cho bà con ở nông thôn, và đang được bà con nông dân nhân ra diện rộng. Tuy nhiên, mức độ nhân rộng còn rất hạn chế, nhỏ lẽ, vì thế các ngành chức năng cần tiếp tục hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật trong quá trình sản xuất để bà con nông dân mạnh dạn thực hiện mô hình này trong những năm tiếp theo, qua đó, mang lại hiệu quả cho bà con nông dân, góp phần ổn định kinh tế -xã hội ở địa phương./.