00:00 Số lượt truy cập: 3193291

Làm giàu trên vùng đất khát 

Được đăng : 03/11/2016
Trên vùng đất khát, hoang hóa của xã miền núi Nhị Hà, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) có một nông dân luôn chịu khó bám trụ để biến hơn 100 hecta đất vùng gò đồi hoang hóa nơi đây thành một tài sản khổng lồ. Đó chính là ông Dương Đình Thế (56 tuổi), một con người luôn dám nghĩ, dám làm, cần mẫn, chịu khó, được dân mệnh danh là "thần cải tạo đất" của vùng rừng núi Nhị Hà.

Đi qua những con đường gập ghềnh gần cả chục cây số, chúng tôi đã tìm đến thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà, nơi tọa lạc của trang trại ông hai Thế (tên thân mật mà bà con dân tộc Raglai thường gọi ông). Mặc dù đang là lúc nắng nóng, oi bức, thế nhưng khi đặt chân đến trang trại rộng hơn 100 hecta này, trước mắt chúng tôi vùng đất ấy không còn vẻ hoang sơ của những năm trước nữa mà thay vào đó là những cánh rừng Neem xanh ngát, một không gian mát mẻ được tỏa lên từ các hồ, ao nuôi cá rộng mênh mông. Khi đưa chúng tôi đi tham quan khắp trang trại, ông hai Thế cho biết: "Để có được như ngày hôm nay, cả gia đình phải rơi biết bao mồ hôi, nước mắt''... Từ năm 1997, ông hai Thế cùng gia đình lên khai hoang 7 sào đất trên vùng gò đồi chỉ còn trơ đất và đá này để trồng rừng nhưng đã không ít lần thất bại. Trải qua bao gian lao vất vả, nhưng từ cái khó đã nảy sinh ra nhiều cái khôn. Bên cạnh việc tiếp xúc với những thông tin hữu ích qua các kênh, ông chịu khó tìm tòi những mô hình sản xuất có hiệu quả, đồng thời trực tiếp tham dự các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện Ninh Phước tổ chức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, kỹ thuật trồng rừng... Ông suy nghĩ và đi đến kết luận: Muốn canh tác và phát triển sản xuất ở "vùng đất chết" này thì biện pháp hàng đầu là phải giải quyết cho được nguồn nước tưới và bố trí lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp. Từ đấy, ông đã đi vay mượn tiền để đào gần 2 hecta ao dùng để tích nước, cung cấp nước tưới cho cây trồng kết hợp với thả nuôi các loại cá. Để tiết kiệm nước tưới, ông chia diện tích đất ra nhiều lô và khoanh vùng theo địa hình cao thấp. Vùng trên cùng ở sát bìa đồi và vành đai xung quanh trang trại ông trồng 20 ha cây Neem, tiếp theo là vùng qui hoạch để trồng cây điều và các loại cây ăn quả; số diện tích còn lại ông tập trung đầu tư thâm các loại cây trồng ngắn ngày kết hợp với trồng cỏ để chăn nuôi gia súc. Gần đây, ông hai Thế còn tìm tòi và tự xây dựng nên mô hình trồng "cây xương rồng không gai (cây Nopal)" trên diện tích hơn 1 hecta để cung cấp thức ăn cho gia súc vào mùa khô. Đây là mô hình đầu tiên trồng loại cây này ở Ninh Thuận đã được ông trồng thử nghiệm cho hiệu quả. Ông Thế nói: "Không bao lâu nữa tôi sẽ mở rộng diện tích trồng "cây xương rồng không gai" này để cung cấp rau sạch, bởi lẽ nó cũng là thức ăn rất tốt cho con người". Để thêm thu nhập cho gia đình, ông đã nghiên cứu và đầu tư 20 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi "con Trùn Quế" (khoảng 100 m2/trại ) để cung cấp thức ăn cho các trại tôm, cá giống,... Thấy có hiệu quả, ông tiếp tục đầu tư 100 triệu đồng mở rộng diện tích lên thành 5 trại, và chỉ trong vòng 3 tháng ông thu được trên 30 triệu đồng/1 trại...

Những mô hình sản xuất trên, hàng năm đã đem về cho gia đình ông một khoản thu nhập vài trăm triệu đồng./.