Đất khó…hồi sinh
Con đường từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ đến xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên giờ đã được trải nhựa, băng qua những dãy núi với ngút ngàn cây xanh. Anh Đức Minh Nhuệ - cán bộ Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Điện Biên cho biết, những năm trước đây, dọc hai bên đường này chỉ là đồi trọc sỏi đá. Mỗi khi có trận mưa lớn kéo theo lũ ống, lũ quét gây nhiều thiệt hại cho người dân nơi đây. Rời đường nhựa, phải đi bộ qua mấy cánh rừng trồng (tre, keo, cây ăn quả…) chúng tôi mới đến được gia đình anh Vi Việt Phú, người dân tộc Tày ở đội 7, xã Sam Mứn.
Qua câu chuyện, vẻ tự hào xen lẫn với sự bối rối vì anh bảo chưa tiếp xúc với các nhà báo bao giờ, anh Phú tâm sự: “Trước đây kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, bản thân tôi là bệnh binh nay ốm mai đau. Nhiều đêm tôi trằn trọc tự nhủ, mình không thể sống nhờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi được mà phải “bứt” lên để cuộc sống con cái sau này đỡ khổ...”. Từ những suy nghĩ ấy, cùng với sự ủng hộ của gia đình, năm 2004 anh Phú quyết định đấu thầu trên diện tích đất khoảng 4 ha ở đội 7, xã Sam Mứn. Khi đặt nhát cuốc đầu tiên, anh thấy rất nản và thầm nghĩ: “cái khu đồi trọc, đất hoang hóa đến cỏ không mọc nổi này từ trước tới nay không ai dám nhận thầu mà sao mình liều đến vậy…”. Nhưng với bản tính cần cù chịu khó lại được rèn luyện trong quân ngũ nên anh Phú đã quyết tâm chinh phục vùng đất khô cằn hoang hoá này. Ban đầu, với số vốn ít ỏi anh quyết định trồng sắn, chuối nhưng thu nhập chẳng được là bao. Mày mò đủ mọi cách mà anh Phú vẫn chưa tìm được hướng đi cho riêng mình.
Năm 2005, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Điện Biên, gia đình anh Phú trồng được gần 1.000 gốc tre Bát Độ. Anh cũng không thể ngờ rằng, giống tre này lại thích hợp đất đai, khí hậu nơi đây đến vậy. Chỉ sau một năm, nhiều gốc tre đã cho măng, gia đình anh bắt đầu có thu nhập từ đấy.
Và từ những chủ trương đúng
Dẫn chúng tôi đi thăm “trang trại” của gia đình, khoát cánh tay chỉ những vạt đồi xanh, anh nói đầy vẻ tự hào: “các anh thấy không, 4 ha đất trống đồi trọc ngày nào được tôi quy hoạch thành những khu trồng trọt và chăn nuôi, ao thả cá”. Trên đồi cao, anh trồng những cây ngắn ngày như ngô chịu hạn, sắn, mía. Diện tích đất còn lại được trồng tre Bát Độ, cùng với hàng trăm gốc chuối, xoài, nhãn, vải... Đặc biệt là trên diện tích 4 ha trang trại, anh đã đầu tư đào ao, đắp đập chặn dòng tạo được hơn 5.000 m2 mặt nước thả các loại cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép… Thu nhập từ cây, con của gia đình anh năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2006 mới thu 70 triệu đồng, đến năm 2009 anh Phú thu được gần 300 triệu đồng...
Trao đổi với chúng tôi, anh Đức Minh Nhuệ - cán bộ Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Điện Biên cho biết, những năm qua Trung tâm đã hỗ trợ nhiều gia đình đồng bào địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số làm mô hình phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo. Nhiều mô hình đã được triển khai như mô hình máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, thủy sản, phát triển kinh tế trang trại… Nhiều mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả như mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình của nhà anh Vi Việt Phú. Ngoài sự hỗ trợ về kinh phí, Trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về xóa đói giảm nghèo cho người dân, giúp họ có thêm kiến thức trong sản xuất.
Thực tế ở địa phương cho thấy, diện tích đất trống, đồi trọc tăng hàng năm do nạn phá rừng làm nương rẫy, hay tục lệ du canh, du cư của bà con dân tộc thiểu số làm cho đất ngày càng bạc màu. Do vậy, việc phủ xanh đất trống đồi trọc là việc làm cấp bách, cần được kết hợp với nhiều chương trình, dự án trong đó có các mô hình khuyến nông, khuyến lâm…
Có nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm xóa đói giảm nghèo ở Điện Biên thời gian qua đã phát huy tác dụng. Nhiều gia đình nông dân từ chỗ kinh tế khó khăn nay đã có của ăn của để, thậm chí có gia đình đã trở nên giàu có cho thấy một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã được áp dụng thành công giúp đời sống kinh tế của đồng bào miền núi tiến kịp với miền xuôi.