Biến đất hoang thành trang trại
Sau khi nhường lại toàn bộ vườn tược, đất sản xuất nông nghiệp phục vụ các dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng để chuyển lên sống ở vùng tái định cư mới, nhiều hộ dân nghèo ở phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng biến vùng đất mới dưới chân dãy núi Hoành Sơn vốn hoang vu, hẻo lánh thành những mô hình trang trại phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt mang về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ghé vào thăm trang trại tổng hợp rộng gần 2ha của vợ chồng anh Trịnh Quốc Toản (43 tuổi) - Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi, ở khu Đá Bàn, phường Kỳ Phương), chúng tôi được anh Toản chia sẻ: Năm 2010, thực hiện chủ trương của Nhà nước, gia đình anh đã chuyển lên khu tái định cư mới gần núi ở tổ dân phố Hồng Hải 2. Trước đây, gia đình sống dựa vào nghề đi biển và làm ruộng, rồi vào tỉnh Kiên Giang xin làm thuê trên tàu cá. Đến năm 2011, trở về địa phương, thấy khu đất ở Đá Bàn dưới chân dãy núi Hoành Sơn còn hoang vu, anh mạnh dạn xin chính quyền cho nhận gần 2ha đất để khai hoang phục hóa, vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi đàn gà, ngan, heo, bò và trồng một số cây ăn quả. Nhờ gặp thuận lợi, nên trang trại của anh có kết quả tốt và lãi cao.
Vợ chồng anh Toản bên trong trang trại chăn nuôi đàn heo của mình
Sau đó, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh tiếp tục đầu tư cải tạo mở rộng trang trại tổng hợp, phát triển chăn nuôi lên quy mô lớn hơn. Đến nay, trang trại đang chăn nuôi 70 - 100 con heo siêu nạc/lứa (1 năm 3 lứa, mỗi lứa khoảng 4 tháng), 15 - 20 con bò, gần 1.000 con gà... Ngoài ra, anh còn trồng gần 100 gốc chanh cỏ, hàng chục gốc cây vải thiều, cam, ổi, keo tràm, trồng cỏ phục vụ nguồn thức ăn cho chăn nuôi, đào ao thả cá và trồng các loại rau màu. Sau gần 5 năm lên vùng tái định cư, cuộc sống của gia đình anh đã thay đổi. Mỗi năm trang trại cho tổng thu nhập bình quân đạt trên 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí thu về lãi từ 300 - 500 triệu đồng.
Cách trang trại của anh Toản, chị Hoa khoảng 1,5km về phía Tây Nam, là trang trại của vợ chồng anh Lê Thanh Phan (47 tuổi) - Nguyễn Thị Lương (42 tuổi, ở khu 41, phường Kỳ Phương). Sau khi lên vùng tái định cư mới ở tổ dân phố Thắng Lợi, phường Kỳ Phương sống, vợ chồng anh bàn tính và quyết định lên xin chính quyền cho được nhận 20ha đất rừng ở khu 41 khai hoang phục hóa, đầu tư phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Đến nay, bình quân mỗi năm tổng thu nhập toàn trang trại đạt khoảng 1,8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu về 500 - 700 triệu đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Giúp nhau làm kinh tế mới
Cuối năm 2014 thực hiện chủ trương của chính quyền phường Kỳ Phương, vợ chồng anh Toản được giao làm tổ trưởng Tổ hợp tác xã (HTX) sản xuất liên kết theo hướng vườn - ao - chuồng - rừng. Sau đó, vợ chồng tiếp tục đi vận động, kêu gọi 12 hộ dân với 30 thành viên trên địa bàn cùng nhau tham gia vào Tổ HTX sản xuất liên kết phát triển kinh tế chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, rau màu, trồng rừng theo hương… Đến nay, tổng thu nhập của toàn Tổ HTX đạt hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm với thu nhập cao và ổn định, cuộc sống ngày càng thay đổi đi lên.
Tương tự, vợ chồng anh Phan, chị Lương cũng đứng ra vận động thành lập HTX sản xuất liên kết Hiền Lương, do chị Lương làm chủ nhiệm, hiện HTX cũng đã thu hút được 8 hộ dân với hàng chục thành viên cùng tham gia phát triển sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Hải Nam, Phó Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Phương cho biết: Vợ chồng anh Toản, anh Phan là những gia đình nông dân vốn quanh năm chỉ trông chờ vào làm ruộng và đi biển, nhưng họ đã mạnh dạn đi tiên phong, vượt qua khó khăn, biết tính toán làm ăn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cuộc sống cho gia đình và còn tạo điều kiện, giúp đỡ cho nhiều gia đình khác cùng vươn lên làm giàu, có cuộc sống tốt đẹp hơn. “Từ thành công mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của vợ chồng anh Toản, anh Phan, đến nay trên địa bàn vùng tái định cư phường Kỳ Phương đã nhân rộng, hình thành thêm nhiều mô hình trang trại hộ cá nhân phát triển tốt…”, ông Nam nói.
DƯƠNG QUANG