00:00 Số lượt truy cập: 3040273

Làm giàu từ 2 triệu đồng 

Được đăng : 03/11/2016

Từ đồng vốn ít ỏi, ông Lâm Thanh Đức đã khởi nghiệp và vươn lên bằng nghề nuôi gà đẻ trứng với kỹ thuật và chất lượng cao


Dẫn tôi tham quan dãy chuồng lạnh nơi đàn gà mấy chục ngàn con đang say sưa mổ thức ăn, ông Lâm Thanh Đức giới thiệu: “Toàn bộ quy trình nuôi đều khép kín. Ở mỗi chuồng, tôi dùng hệ thống điều tiết nhiệt độ cho phù hợp. Nhờ thế, gà không bị bệnh dịch, tỉ lệ cho trứng từ 300 đến 330 quả/con”. Nói xong, ông đưa tôi xem quyển nhật ký ghi đầy đủ nguồn gốc xuất xứ đàn gà, chế độ dinh dưỡng, lịch tiêm chủng cho từng trại...

Nhờ... mặc cảm

Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi gà, ông Lâm Thanh Đức đã cải tạo vùng đất khô cằn thành trang trại gà sạch khép kín với hơn 70.000 con tại ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuyên Mộc - Đồng Nai.

Ông Đức tâm sự: “Trong tương lai, tôi sẽ hướng đến việc xuất khẩu trứng sang các nước trong khu vực. Để thực hiện điều này, tôi sẽ tăng quy mô, xây dựng thêm nhiều trại nuôi gà để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.

Cách đây 15 năm, ông Đức vốn là thợ may nhưng cái nghèo đã khiến vợ chồng ông luôn sống trong mặc cảm khi chung quanh, bạn bè đồng trang lứa nhiều người có nhà cao, cửa rộng. Tình cờ một lần, ông nghe người quen giới thiệu về giống gà siêu thịt mới nhập về cho năng suất cao. “Hồi đó, gà siêu thịt chưa được nuôi phổ biến. Cầm số tiền 2 triệu đồng dành dụm được, chúng tôi mua hơn 20 con gà về nuôi thử.

Ban ngày thì may, đến tối chúng tôi đi soi cá bán lấy tiền mua thức ăn cho gà. 20 con gà lớn vùn vụt. Hai vợ chồng chưa hết vui mừng thì lại lo khi không biết bán gà đi đâu vì khi ấy người dân chỉ ăn gà ta chứ chưa quen ăn gà công nghiệp. Chỉ có 20 con gà mà vợ chồng tôi phải chạy khắp nơi mới bán hết” - bà Phạm Lê Thủy Tiên, vợ ông Đức, nhớ lại.

Tuy khó khăn nhưng thành công bước đầu khiến ông Đức càng tin vào sự lựa chọn của mình và quyết tâm học hỏi thêm kinh nghiệm để “làm ăn căn cơ hơn”. Trong những ngày đi học hỏi bí quyết nuôi gà, ông đã tìm được đầu mối tiêu thụ nên làm luôn việc thu mua gà thịt bán cho các đại lý. Công việc làm ăn thuận lợi, chẳng bao lâu sau, ông đã dành dụm được một số tiền kha khá và quyết định mua đất xây trang trại gà.

Đi lên từ thất bại

Mọi việc đang phát triển tốt thì tai họa ập đến khi dịch cúm gia cầm bùng phát. Ông Đức ngậm ngùi: “Đó là vào năm 2003, đàn gà đẻ trứng của tôi đã lên đến 16.000 con cùng với 10.000 gà dự bị. Vợ chồng tôi gạt nước mắt tự nguyện tiêu hủy đàn gà với giá hỗ trợ mỗi con chỉ được 5.000 đồng. Nhìn trại gà trống không, vốn liếng gần như mất hết, vợ chồng tôi hết sức đau lòng nhưng nghĩ còn người còn của nên quyết chí làm lại...”.

Năm 2004, ông đưa một người quen về huyện Xuân Lộc - Đồng Nai mua đất nhưng sau khi xem xong, người bạn không mua. Ông hào hứng kể: “Nhìn miếng đất rộng tới 1,4 ha mà giá có hơn 400 triệu đồng, tôi ham quá nên bàn với vợ tìm cách mua lại. Không có tiền, chúng tôi đành phải bán chiếc xe tải được 300 triệu đồng và vay mượn thêm. Hai năm sau, một trang trại nuôi heo với 18.000 con được hình thành”.

Nhưng một lần nữa, công việc làm ăn của ông lại gặp bất trắc khi dịch heo tai xanh, lở mồm long móng bùng phát. Ông nói: “Tôi quyết định bán hết đàn heo và quay lại nuôi gà đẻ trứng nhưng theo mô hình mới: nuôi gà trong nhà lạnh. Lứa đầu tiên, chúng tôi nuôi hơn 10.000 con. Nhờ kinh nghiệm đã tích lũy được, lần này, mô hình nuôi gà sạch đã thành công”.

Không quên người nghèo

Trung bình mỗi tháng, trại gà Thanh Đức cung cấp cho thị trường 1 triệu trứng gà tươi. Thương hiệu trứng Thanh Đức cũng được người tiêu dùng tin cậy vì là sản phẩm sạch, lại bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện trang trại của ông Đức đang giải quyết công ăn việc làm cho gần 30 lao động với thu nhập bình quân từ 1,7 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng. Ông còn xây dựng nhà ở cho công nhân. Ông Nguyễn Văn Biên, quê ở Thanh Hóa, phụ trách kỹ thuật, đã gắn bó với trang trại hơn 10 năm, cho biết: “Chúng tôi được ông bà chủ xem như người nhà, được lo nơi ăn, chốn ở miễn phí.

Ông Đức còn giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn”. Còn anh Trương Văn Thắng, quê Nghệ An, kể: “Mỗi khi chúng tôi ốm đau, đều được ông chủ tận tình động viên, chăm lo thuốc men, ăn uống. Tết đến, ngoài tiền thưởng, ông còn gửi quà cho từng người không khác gì người thân của mình”.