00:00 Số lượt truy cập: 2998976

Làm giàu từ chăn nuôi lợn 

Được đăng : 03/11/2016

Định cư và lập nghiệp ở thôn Khoái Trung, xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, chị Hoàng Thị Hòa đã qua đủ thứ nghề thế mà vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Bươn chải bao nhiêu năm với đời mà kinh tế gia đình vẫn chỉ ở vạch “xuất phát”. Nhiều đêm trăn trở, chị quyết tâm ở lại với nghề chăn nuôi mong đổi thay được cuộc sống.


Từ suy nghĩ đó, năm 2006, chị đã vay vốn đầu tư xây dựng gần 20 ô chuồng, thả hơn 200 lợn thịt. Tuy nhiên, những ngày đầu với mô hình chăn nuôi mới cũng là lúc chị vấp phải vô vàn khó khăn do thiếu kinh nghiệm, do dịch bệnh và giá lợn biến động thất thường. Không nản chí, chị vẫn quyết tâm vay vốn xây dựng lại chuồng trại theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường thông qua việc sử dụng hệ thống biogas xử lý chất thải để bảo vệ môi trường sống cho gia đình và các hộ xung quanh. Đồng thời, tích cực tham gia học hỏi, tham quan các hộ chăn nuôi giỏi trong và ngoài huyện, đúc rút kinh nghiệm chăn nuôi cho mình cũng như tìm hiểu quy luật thị trường hàng năm về giá cả sản phẩm lợn thịt, thị hiếu khách hàng, tìm hiểu về con giống, thức ăn chăn nuôi... cùng với đó, chị tích cực tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, do xã và Hội Nông dân tổ chức. Từ những kiến thức có được cộng với kinh nghiệm của bản thân đã đem lại cho chị những thành quả nhất định trong việc phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung, siêu nạc. Đến nay, chị đã có được khu chuồng trại xây dựng bài bản, khoa học, chia thành các phân khu riêng biệt với gần 40 ô chuồng nuôi khoảng 600 lợn thịt, khu lợn sinh sản duy trì thường xuyên 50 nái lợn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nói về những kinh nghiệm trong chăn nuôi chị Hòa cho biết: "Trong chăn nuôi, công tác thú y, vệ sinh phòng dịch là việc quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại"; bởi vậy, chị luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành thú y, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, định kỳ phun thuốc tiêu độc, sát trùng khu chăn nuôi, tiêm phòng các loại dịch bệnh cho cả đàn. Để giảm kinh phí đầu tư cho nguồn thức ăn, lúc nông dân thu hoạch vụ mùa, chị mua dự trữ với số lượng lớn để làm nguồn thức ăn sau này. Chị chia sẻ thêm: "Việc nuôi lợn, nên kết hợp với xây hầm biogas để tiết kiệm chi phí nhiên liệu trong xay xát thức ăn; còn đối với lợn sinh sản, khi sinh khoảng 7-8 lứa, thay lợn mẹ để đảm bảo năng suất và chất lượng con giống". Do thực hiện tốt khâu vệ sinh phòng dịch, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại nên thời gian qua, mặc dù dịch bệnh xuất hiện ở một số nơi, nhưng trại chăn nuôi của chị vẫn an toàn.

Từ một gia đình nông dân gặp nhiều khó khăn, nhờ quyết tâm mạnh dạn dám nghĩ dám làm và chăm chỉ trong lao động, chị Hoàng Thị Hòa đã vươn lên trở thành hộ gia đình nông dân kinh tế khá giả, có của ăn của để. Tấm gương vượt khó của chị thật đáng được học tập, noi theo./.