Anh Mãi đang kiểm tra hồ nuôi cá lóc. Ảnh: Đình Phùng
Năm 2006, với 20 triệu đồng vốn, anh Mãi đào hồ thả nuôi cá lóc. Do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá nên vụ nuôi đầu tiên anh thua lỗ. Từng bước rút kinh nghiệm, những vụ sau anh thu được kết quả khả quan. Từ năm 2010 đến nay, anh nuôi 4 ao cá lóc, mỗi năm xuất bán 3 lần, sau khi trừ chi phí, còn lãi 120 triệu đồng.
Anh Mãi chia sẻ: “Nuôi cá lóc phải nắm vững kỹ thuật và chủ động được nguồn nước thì mới có hiệu quả. Hồ nuôi phải làm thật kỹ, thường xuyên xử lý nước, nếu nước bẩn thì cá rất ít ăn, dẫn đến lãng phí mồi và mức tăng trọng của cá không cao. Thức ăn của cá chủ yếu là các loài cá mồi tươi, với khẩu phần phù hợp, không nên cho ăn quá nhiều, dễ gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, cần phát hiện và xử lý nhanh các triệu chứng dịch bệnh thường xảy ra ở cá nuôi, như lở loét, bạc da, cong mình”.
Anh Mãi còn tận dụng thức ăn thừa từ các hồ cá lóc, mở thêm 2 ao nuôi cá trê. Anh còn nuôi 24 con heo thịt, mỗi năm xuất bán 3 đợt. Ngoài ra, với 150 con vịt đẻ hơn 100 trứng/ngày cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Đầu tháng 7.2013, anh đã đầu tư gần 100 triệu đồng mua 4 con bò lai về nuôi.
Ông Trần Văn Phá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng, cho biết: “Anh Phan Văn Mãi là một điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Ngoài làm giàu cho gia đình, anh còn giúp đỡ vốn và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho một số hộ dân trong thôn. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân phát triển những mô hình như trang trại của anh Mãi để giảm nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.
Đình Phùng