Vừa dẫn chúng tôi đi thăm lan với hàng ngàn dò xanh mướt, chị Tạ Thị Chân, chủ một cơ sở trồng hoa lan có tiếng ở xã Đông La (Hoài Đức - Hà Nội) hồ hởi: “Vừa rồi, có người đặt vấn đề mua toàn bộ số lan trong vườn với giá 400 triệu đồng nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn lan của mình đến tay những người có lòng yêu lan thực sự, chứ không phải là những nhà kinh doanh chỉ biết kiếm lời”. Được biết, ở Đông La, những chủ vườn lan như chị Chân không phải là hiếm.
Những triệu phú lan
Chị Chân là một trong những hộ đầu tiên trồng lan ở Đông La. Cách đây gần 20 năm, cuộc sống gia đình khó khăn, chị phải bỏ dở đại học để lao vào cuộc mưu sinh. Những chuyến ngược xuôi lên miền núi tìm lan rừng về bán lấy tiền đong gạo đã vun đắp cho chị tình yêu với loài hoa vương giả. Kinh nghiệm trồng, chăm sóc lan và cả những hiểu biết về nhu cầu thị trường cũng được đúc rút từ những chuyến đi đó. Thế là từ việc chỉ đi tìm lan tự nhiên về bán, chị quyết định mở vườn ươm trồng. Đến nay, chị đã là chủ của vườn lan rộng hơn 2.000m2 với hàng ngàn dò lan thuộc hơn 200 loại khác nhau.
Thành công của gia đình chị Chân đã mở đường cho hàng chục hộ khác trong xã noi theo. Hiện, toàn xã Đông La có trên dưới 30 hộ trồng và nhân giống lan, với tổng diện tích vườn ươm khoảng 5ha. Lan ở Đông La nhiều về số lượng, phong phú về chủng loại. Hàng năm, cứ vào dịp Tết, hàng trăm khách chơi lan từ khắp các nơi đổ về Đông La để chiêm ngưỡng và mua lan. Với giá bán dao động từ vài chục nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng/dò tuỳ loại, mỗi năm các hộ trồng lan ở Đông La có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Anh Nguyễn Hữu Hải Như tiết lộ, trong xã có nhiều hộ trở thành triệu phú nhờ nghề trồng lan như các anh Phan Đăng Quang, Tạ Công Thực, Hoàng Ngọc Trường, Nguyễn Trọng Hùng...
Cần thêm sự trợ giúp
Đông La vốn là xã thuần nông, trong xã cũng có nhiều nghề truyền thống như may mặc, dệt kim, chế biến nông sản nhưng thu nhập không cao. Vì vậy, nghề trồng lan đã mở ra cơ hội làm giàu đối với các hộ dân trong xã. Tuy nhiên, để nghề trồng lan phát triển đúng với tiềm năng vẫn còn nhiều việc phải làm. Anh Hoàng Ngọc Trường, chủ một cơ sở trồng lan trong xã cho biết, khó khăn lớn nhất đối với những hộ trồng lan ở Đông La hiện nay là vấn đề mặt bằng sản xuất. Phần lớn diện tích trồng lan đều do các hộ tận dụng diện tích đất ở của gia đình, trong khi vốn đất của các hộ lại có hạn. Như trường hợp nhà anh Trường, mặc dù đã tận dụng tối đa quỹ đất hiện có nhưng diện tích vườn lan chỉ vẻn vẹn 500m2. Anh Trường và nhiều hộ trồng lan trong xã rất muốn đấu thầu thêm đất công để mở rộng kinh doanh nhưng thời hạn hợp đồng thuê đất lại không cho phép họ làm điều đó. Được biết, để làm được một vườn trồng lan đòi hỏi kinh phí lớn, kết cấu vườn trồng phải kiên cố; trong khi lan là giống có thời gian sinh trưởng dài (một dò lan từ lúc ươm trồng đến lúc bán ít nhất mất 2 năm) mà thẩm quyền của xã chỉ có thể hợp đồng cho thầu đất không quá 5 năm. Với điều kiện như thế, không hộ nào dám mạo hiểm dù trong thâm tâm rất muốn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mừng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiện, xã đang tiến hành dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả (39,1ha) và 110ha đất bồi ven sông sang trồng cây cảnh, cây ăn quả với thời hạn hợp đồng đấu thầu lên tới 50 năm. Khi đó, khó khăn về mặt bằng sản xuất của những hộ trồng lan sẽ được giải quyết”. Hy vọng, dự án sớm được triển khai để những người trồng lan ở Đông La yên tâm sản xuất.