00:00 Số lượt truy cập: 2669934

Làm giàu từ mô hình nuôi tôm hùm 

Được đăng : 03/11/2016
Trong giá rét, mưa phùn của ngày đông, phải vượt qua hơn nửa giờ đồng hồ bằng xe máy trên con đường nhão nhẹt bùn đất, chúng tôi mới đến được nhà anh Nguyễn Tiến Nhất.

Sau khi kéo một điếu thuốc lào, anh Nhất hồi tưởng lại: “Năm 2003, được huyện Kỳ Anh cho đi tham quan một số mô hình thuỷ sản tại Nha Trang, đặc biệt là được xem mô hình nuôi tôm hùm lồng trên biển”. Nhận thấy tại địa phương cũng có vị trí tự nhiên thuận lợi, có nguồn thức ăn và nhân công lao động dồi dào, đặc biệt có nguồn giống tôm hùm đỏ tự nhiên phong phú, rất thích hợp cho nghề nuôi tôm hùm trong lồng nên anh Nhất đã quyết định đầu tư xây dựng lồng nuôi thử và đã đạt hiệu quả kinh tế bất ngờ. Để được “mục sở thị” mô hình, anh dẫn chúng tôi ra tận nơi nuôi tôm hùm và thấy được sự nỗ lực vượt khó và thành quả sau nhiều năm lăn lộn với biển và tôm hùm lồng của anh.

Với đặc thù ở vùng biển quê anh, gió rất mạnh nên sóng lớn, anh nghĩ không thể làm lồng nổi như ngư dân ở các tỉnh thường nuôi. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ nhận thấy chỉ còn cách làm lồng nuôi chìm dưới đáy biển, chỗ neo lồng khỏi bị cuốn trôi ra biển là các bãi đá. Khi lồng nuôi được hoàn thành, anh đã đi thu mua tôm giống của những ngư dân đi lặn về. Sau khi gom đủ lượng giống, tháng 3/2004, anh thả 2.000 con giống. Mặc dù vất vả trong việc cho tôm ăn, vệ sinh lồng nuôi đặc biệt là những ngày sóng to, gió lớn nhưng tôm phát triển rất tốt, đến cuối năm thì đã thu hoạch. Do đặc điểm sinh trưởng của loài tôm hùm đỏ này nhỏ nên kích cỡ khi thu hoạch khoảng 300 - 400g/con nhưng do thịt chắc, thơm ngon hơn các loại tôm hùm khác nên giá bán được cũng từ 400 – 500 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 80 triệu đồng.

Nhờ có kinh nghiệm, những năm tiếp anh “chế tạo” lồng nuôi với chất liệu bền, nhẹ. Những ngày sóng to gió lớn anh có thể kéo lồng vào sát bờ hoặc đưa hẳn lên bể nuôi được xây sẵn tại nhà chờ khi gió yên, biển lặng anh lại đưa tôm ra biển nuôi tiếp. Dự định của anh sắp tới là xin thuê khoảng 1000m2 mặt nước biển ở vùng kín gió hơn trong xã để đầu tư xây dựng lồng nổi để nuôi tôm hùm và cá mú.

Hiện nay, phong trào nuôi tôm hùm trên biển ở Kỳ Xuân còn chưa phát triển, mới đầu chỉ có vài gia đình nuôi thử. Trong khi các tỉnh khác bà con chủ yếu nuôi ở các vùng kín, còn người dân Kỳ Xuân do vị trí địa lý nên phải nuôi ở vịnh hở, nên chi phí lồng bè tốn kém hơn. Bù lại, có lợi nhuận cao hơn nhờ việc thay đổi nước liên tục và đáy vịnh không có san hô, nên môi trường nước không bị ô nhiễm, tôm ít bệnh, do đó hầu hết các gia đình nuôi tôm hùm ở Kỳ Xuân đều năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh, cho biết: “Nghề nuôi tôm hùm tại xã Kỳ Xuân được xem là hướng đi mới, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương. Tiềm năng về môi trường nuôi của vùng biển này rất lớn, có thể phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn. Điều đó, cần thiết phải có một quy hoạch tổng thể phù hợp với môi trường, vật nuôi đảm bảo tính bền vững. Đây là mục tiêu mà huyện đang hướng tới để phát triển nghề nuôi này trong những năm tới...”.