Với mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế bề vững qua nhiều năm, CCB Lê Hữu Chánh, ấp Nà Chim, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn được chọn báo cáo điển hình tại Đại hội Đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ 4 ở Hà Nội.
Đến ấp Nà Chim, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn lập nghiệp từ năm 1990 chỉ với đôi bàn tay trắng, nhưng vì tương lai các con, vợ chồng CCB Lê Hữu Chánh quyết tâm làm giàu. Từ làm thuê, chỉ sau hơn 2 năm, ông Chánh đã mua được 1 ha đất rừng để canh tác.
Từ mảnh đất này, ông nuôi tôm và trồng thêm rau màu xung quanh nhà, cải thiện bữa ăn hằng ngày. Với ý nghĩ có đất ắt sẽ làm giàu, nhờ tích lũy và có sự giúp đỡ của anh em, ông sang thêm được hơn 7,5 ha. Qua gần 10 năm chí thú làm ăn và chi tiêu tiện tặn, ông trả được nợ tiền mua đất.
Theo ông, “chìa khóa” để thành công trong việc sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ đổi mới là người nông dân phải sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất của mình.
Về việc nuôi tôm dưới tán rừng, ông tuân thủ đúng quy định 60% rừng, 40% tôm. Ông thả con giống mật độ thưa, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên. Riêng rừng, đến độ 5 tuổi phải tỉa thưa, dọn thoáng cây, thường xuyên vệ sinh lá rừng rụng, tránh bị úng nước, ảnh hưởng đến tôm.
Ông tận dụng cây rừng tỉa thưa hầm than tăng thu nhập và đào ao, kê liếp trồng hoa màu, cây căn trái. Với cách làm này, mỗi năm ông thu lợi từ tôm, cua, cá, hoa màu và rừng hơn 150 triệu đồng.
Ông Lê Hữu Chánh trở thành tấm gương điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, vinh dự nhận bằng khen của Trung ương Hội Nông dân. Bên cạnh đó, ông còn giúp 15 hội viên nông dân trong huyện về vốn, con giống trị giá hàng chục triệu đồng.
Ông Chánh “bật mí” về kế hoạch sắp tới là không tăng diện tích đất hiện có mà chỉ thay đổi một chút về cách canh tác. Ông sẽ làm theo mô hình quảng canh nhưng có cải tiến./.