Anh Lờ A Thị, sinh năm 1976 dân tộc Mông là hội viên nông dân thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên là một trong những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Tủa Chùa nói riêng.
Năm 1996, anh lập gia đình và sống tại thôn Sính Sủ 2, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, đời sống kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn do diện tích đất nông nghiệp bạc màu, năng suất lương thực thấp, không có bãi chăn thả. Từ tình hình khó khăn lao động sản xuất vất vả cả năm mà vẫn không đủ ăn, làm anh luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để thay đổi hướng làm ăn để thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu. Với suy nghĩ đó anh đã bàn với gia đình quyết định chuyển nhà về thị trấn Tủa Chùa và dồn hết vốn mới mua được 1 chiếc xe máy để chạy xe ôm để mưu sinh nhưng cuộc sống vẫn khó khăn thiếu thốn. Được sự hỗ trợ, động viên giúp đỡ của chính quyền và các đoàn thể trong xã anh vay vốn Ngân hàng để đầu tư vào dịch vụ kinh doanh với số vốn vay là 100 triệu đồng đầu tư mở quán sửa chữa, mua bán xe máy, kết hợp với bán các sản phẩm váy áo của người dân tộc, lựa chọn các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị yếu của người tiêu dùng để kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống gia đình đã ổn định và bắt đầu có thu nhập tích lũy từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Có vốn tích lũy anh mua thêm 2 ha đất để mở rộng sản xuất, trong đó có 4.000m2 có điều kiện làm ao thả cá.
Năm 2009, từ nhu cầu thực tế của người dân trong vùng về mở mang sản xuất. Do nhanh nhạy và nắm bắt kịp thời trong làm ăn, anh đã có hướng làm ăn mới, với suy nghĩ ở những nơi có điều kiện làm được ao nếu mà có máy súc anh sẽ mở đường vào đào ao nuôi cá cho các hộ theo giá thỏa thuận sẽ đem lại hiệu quả, nếu họ chưa có tiền thì mình tạo điều kiện cho họ chịu đến mùa thu hoạch trả. Anh đã mạnh dạn đầu tư mua 1 máy súc trị giá 700 triệu đồng, khi có máy súc rồi anh đi vào các bản trong vùng đặt vấn đề ai có nhu cầu san ủi ao nuôi cá, ruộng cấy lúa và làm theo nhu cầu, theo giá thỏa thuận và thanh toán có thể bằng tiền mặt, hoặc trao đổi bằng con vật nuôi, lương thực ... Những nơi chưa có đường đi thì anh mở đường đến tận nơi giúp hộ gia đình thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển cho các hộ nông dân. Từ những việc làm đó anh đã được nghiều người đồng tình ủng hộ vừa giúp bản thân có việc làm, vừa giúp bà con mở mang sản xuất.
Năm 2010, gia đình anh tiếp tục mở rộng đầu tư mua thêm 1 chiếc máy ủi nữa trị giá 500 triệu đồng đã phát huy hiệu quả sản xuất. Qua quá trình chuyển đổi cách nghĩ, cách làm phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng bản thân anh và gia đình đã không ngừng nỗ lực vươn lên làm giàu và trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động có thu nhập ổn định.
Tổng thu nhập của gia đình anh sau khi đã trừ chi phí còn tích lũy được 150 - 200 triệu đồng/năm, bình quân thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Từ số tiền tích lũy được gia đình anh đã xây được 1 ngôi nhà 2 tầng khang trang có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Nói về hướng phát triển trong thời gian tới, anh tâm sự: “Trong những năm tới gia đình tôi tiếp tục mở rộng sản xuất, làm tốt công tác vận động bà con trong địa bàn sinh sống chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ các hộ trong bản về phát triển sản xuất để cùng trở thành những hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Để thực hiện được, tôi rất mong được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đầu tư nguồn vốn vay lớn hơn để các hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ như tôi được tiếp tục mở rộng sản xuất. Tạo điều kiện cho các hộ nông dân vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng trang trại tập trung”.