Làm giàu từ “nghề nguy hiểm”
Được đăng : 03/11/2016
Sẽ không quá lời khi khẳng định nuôi rắn là nghề nguy hiểm. Thế nhưng, ông Vũ Văn Khoa ở thôn Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn - Bắc Giang) khiến chúng tôi thực sự khâm phục bởi niềm đam mê với nghề dù có thời gian ông từng đập bể nuôi rắn khi bị rắn cắn tới 3 lần.
Làm giàu từ “nghề nguy hiểm”
Ông Khoa thành công với nghề nuôi rắntừ năm 1993.
KTNT - Sẽ không quá lời khi khẳng định nuôi rắn là nghề nguy hiểm. Thế nhưng, ông Vũ Văn Khoa ở thôn Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn - Bắc Giang) khiến chúng tôi thực sự khâm phục bởi niềm đam mê với nghề dù có thời gian ông từng đập bể nuôi rắn khi bị rắn cắn tới 3 lần.
Thăng trầm
Ngay từ năm 1992 ông Khoa đã lập trang trại nuôi rắn. Khi ấy vì chưa am hiểu kỹ thuật nuôi nên ngày nào ông cũng rong ruổi chiếc xe đạp cà tàng tới những nơi có mô hình nuôi rắn thành công. Năm 1993, ông thành công với mô hình rắn trứng. Nghĩa là tuyển giống bố mẹ tốt cho đẻ trứng, trứng nở thành con, rắn con xuất bán. ông bảo: “Ban đầu ấp trứng hiệu quả thấp, tôi tìm nguyên nhân để điều chỉnh dần, quan trọng là nhiệt độ trong buồng ấp phải phù hợp”.
Nhớ lại thời gian bắt đầu làm, chẳng biết nuôi bao nhiêu con trong một bể (16m2, tường cao 1,75m) nên ông thả tới 90 con. Khi rắn nhỏ thì không có chuyện gì xảy ra, nhưng đến khi rắn lớn, chuồng quá chật, con nọ ép con kia khiến chúng bị bệnh phổi. Lứa đầu tiên ông thất thoát tới 50%. “Mỗi khi rắn chết, tôi giấu vợ rồi vác cuốc ra đồng chôn”, ông Khoa bộc bạch.
Ngót hai chục năm làm trang trại, ông bảo: “Tuy là loài bò sát nguy hiểm nhưng rắn cũng như người, mỗi con một tính, con thuần, con gắt. Tôi chẳng bao giờ quên được một kỷ niệm trong nghề, đó là năm 1996 tôi bị rắn cắn tới 3 lần trong vòng 5 tháng. Nằm viện ròng rã hàng tháng trời, tưởng chẳng còn cơ hội nào cho tôi tiếp tục với nghề. Thế nhưng, nhờ sự phát triển của khoa học, tôi đã được cứu chữa. Về nhà nhìn bể rắn còn lại, niềm đam mê ngày nào tiếp tục bùng lên, tôi quyết định xây lại bể nuôi”.
Giàu lên nhờ rắn
Trang trại của ông lúc nào cũng có 300 - 400 con rắn, chủ yếu là hổ mang bành và hổ mang trâu. Rắn hổ mang trâu có giá 780.000 đồng/kg, rắn hổ mang bành rẻ hơn gần 100.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi con cho thu lãi cả triệu đồng.
Ông Khoa chia sẻ: “Muốn rắn sống và phát triển phải biết nhu cầu của từng con. Từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau rắn nghỉ không ăn. Nhiệt độ cao làm rắn dễ mắc bệnh phổi, căn bệnh này thường khó chữa, tốt nhất nên phòng bệnh. Xây bể (16m2) theo hướng Tây, mật độ nuôi 40 - 50 con là phù hợp nhất”.
Qua bao thăng trầm, ông Khoa là người đầu tiên thành công với mô hình nuôi rắn ở Lục Ngạn. Mới đây, Hội Làm vườn, Hội Nông dân huyện Lục Ngạn đã thành lập hợp tác xã gây giống, nuôi con đặc sản, ông Khoa là hội viên đi đầu trong HTX nhằm giúp nghề nuôi con đặc sản phát triển bền vững.
Chia tay trang trại rắn của ông Khoa cùng bao buồn vui của thứ nghề “có một không hai” này, chúng tôi càng cảm phục niềm đam mê và ý chí vượt khó của ông.