Nghề trồng nấm đến với ông rất tình cờ. Năm 2003, từ một đội trưởng đội sản xuất của Nông trường Cao su 74, theo chính sách tinh giảm biên chế, ông xin nghỉ sớm. Được một người bạn cho nhiều gỗ cây cao su, chưa biết làm gì thì tình cờ xem một chương trình trên ti vi, thấy người ta chế biến mùn cưa từ gỗ cao su để làm nấm, ông nảy ra ý định tìm học để làm theo. Ông về thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong tìm hiểu mô hình làm nấm, rồi nhờ họ chỉ cho cách xây lò ủ.
Ông Lê Đức Hùng bên giàn nấm chuẩn bị thu hoạch
Để nắm được kỹ thuật làm nấm một cách bài bản, ông tìm đến Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH & CN tỉnh và may mắn được chọn để xây dựng mô hình thí điểm trồng nấm, chế biến tại hộ gia đình. Khởi đầu thuận lợi bằng việc được hỗ trợ kinh phí làm lò hấp thủ công, ông Hùng mạnh dạn đầu tư trồng nhiều giống nấm khác nhau như nấm mộc nhĩ, nấm sò, nấm rơm và cả giống nấm linh chi có giá trị kinh tế cao. Để xây dựng một quy trình khép kín trong sản xuất nấm, ông mua máy tời mùn (máy nghiền mùn), tự sản xuất mùn cưa tại nhà, bởi theo ông, có máy móc, sản phẩm mùn nghiền mịn hơn, chất lượng hơn so với việc phải mua mùn cưa làm sẵn.
Ngoài ra, với thuận lợi ở vùng đất trồng nhiều cao su, ông ưu tiên tìm nguồn gỗ cao su vì trên thực tế, mùn cưa gỗ cây cao su có chất lượng tốt hơn hẳn so với các loại gỗ cây khác. Mùn cưa sau khi được ủ, đóng thành các bịch bằng túi ni lông chuyên dụng thì tiến hành cấy giống để nuôi trồng. Loại giống que sắn (đưa men vào thân cây sắn) ở Long Khánh, Đồng Nai được ông tin tưởng lựa chọn từ ngày đầu trồng nấm bởi chất lượng và hiệu quả cao, không có tình trạng dễ bị nhiễm nấm như giống cấy trên vỏ trấu. Kinh nghiệm của ông Hùng đối với loại nấm mộc nhĩ là khi thu hoạch, ông cho lấy cả rễ mộc nhĩ để tránh bị mốc trong quá trình phơi khô. Mộc nhĩ được phơi khô tự nhiên nên đảm bảo chất lượng sạch và bớt chi phí hơn nếu đưa vào lò sấy.
Là người trồng nấm lâu năm, ông Hùng đặc biệt tuân thủ kỹ thuật, thực hiện quy trình trồng nấm quy củ và khoa học. Từ công đoạn cấy gen, cấy giống, ủ nguyên liệu, giăng bạt phủ… đều được ông tiến hành một cách tỉ mẩn. Thời gian trước, mỗi năm ông trồng thêm khoảng 10 - 15 kg nấm linh chi, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của bà con trong vùng. Giá bán nấm linh chi mỗi ki - lô - gam khoảng 650.000 đồng, lợi nhuận từ giống nấm này mang lại không nhỏ. Tuy vậy, ông chỉ mới tiến hành làm ở quy mô nhỏ mang tính thử nghiệm, còn chủ yếu vẫn là sản xuất nấm sò. Ông nhẩm tính, mỗi năm xuất khoảng 20.000 bịch nấm thành phẩm các loại, ngoài ra còn bán ra hơn 10.000 bịch phôi giống cho những người có nhu cầu làm nấm ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong. Về đầu ra sản phẩm, ông Hùng cho biết, hơn chục năm nay, từ khi bắt đầu làm nấm, sản phẩm của gia đình ông đã cung cấp cho thị trường địa bàn Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Nhờ vậy, cơ sở sản xuất nấm của gia đình ông Hùng giải quyết công việc theo thời vụ cho khoảng 4 - 5 lao động. Mỗi năm, trừ chi phí các loại, nghề trồng nấm mang lại cho gia đình ông khoản lãi ròng hơn 200 triệu đồng.
Dự định thời gian tới, ông đầu tư thêm vốn để xây dựng nhà xưởng quy mô, trang bị hệ thống phun sương và giữ ẩm cho mùa rét, mở rộng thêm hai xưởng sản xuất nấm mộc nhĩ. Ông Hùng chia sẻ: “Làm nấm cũng cần phải có sự kiên trì và tâm huyết với nghề, phải tỉ mẩn và chuyên tâm trong từng công đoạn mới có thể thu được hiệu quả cao. Công sức bỏ ra đã thu được thành quả xứng đáng, điều đó càng làm tôi thêm quyết tâm để mở rộng quy mô sản xuất với mong muốn có thể tạo công ăn việc làm cho thêm nhiều bà con trong vùng, tăng thu nhập chính đáng cho gia đình mình”.
THANH TRÚC