Nuôi chim trĩ xanh giúp gia đình bà Vũ Thị Lành ở xóm 7 Quyết Thắng, xã Giao Tiến (Giao Thủy) thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nói về kỹ thuật nuôi chim trĩ, bà Lành chia sẻ, ưu điểm của loại chim này là ăn ít, sức đề kháng với bệnh tật tốt, tỷ lệ nuôi sống cao hơn gà rất nhiều, giá trị kinh tế lại rất cao. Ngoài ra, chuồng nuôi phải luôn khô ráo để chim trĩ phát triển tốt, tránh bệnh tật, tốt nhất nên sử dụng cát, sỏi rải làm nền, bố trí thêm các cành cây để chim đậu, vừa sạch sẽ lại tiết kiệm (cải tạo chuồng 1 năm/lần). Đặc biệt, chuồng chim trĩ cần làm kín, tránh để chim trĩ bay ra khỏi chuồng vì tuy là họ nhà gà nhưng chim trĩ cũng có thể bay được một khoảng cách tương đối xa. Mỗi ô chuồng 50m2 chỉ nên nuôi từ 40 - 50 con để nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên. Tùy theo quy mô chăn nuôi mà các gia đình có cách thức xây dựng chuồng trại phù hợp, có thể tận dụng những vật dụng sẵn có như tre nứa hoặc sử dụng lưới sắt để làm chuồng trại. Thêm vào đó, muốn nuôi được chim trĩ khỏe mạnh cần chú ý thời điểm bóc trứng, phải chăm sóc kỹ, tiêm vắc-xin đầy đủ, tránh bệnh tật về sau. Trong một tháng tuổi, chim được cho ăn cám công nghiệp. Sau thời gian đó bắt đầu cho ăn gạo lứt, ngô, lúa giống như nuôi gà thả vườn. Khi chim trĩ được 4 tháng tuổi có thể cho ăn thêm các loại rau như: bắp cải, rau muống, rau chuối,... Nuôi đến 6 tháng tuổi, có thể xuất bán với trọng lượng bình quân 1,2 - 1,5 kg/con. Lượng thức ăn nuôi chim trĩ cũng ít hơn gà, chỉ tốn khoảng 75 nghìn đồng để nuôi từ lúc bóc trứng đến lúc trưởng thành (tính ra lượng thức ăn nuôi một con chim trưởng thành chỉ bằng 1/5 so với nuôi một con gà). Đặc biệt, chim trĩ bố mẹ nuôi từ lúc bóc trứng đến thời kỳ sinh sản chỉ 2 năm là phải phá đàn, thay thế đàn mới. Khi phá đàn, chim trĩ bố mẹ có thể bán làm chim cảnh và bán chim thịt cho nhà hàng. Nếu chim trĩ xanh đẹp thuần chủng có thể bán làm cảnh thì giá cao, khoảng 2,7 triệu đồng/đôi. Còn chim thịt bán cho nhà hàng 400 đến 450 nghìn đồng/kg. Chim trĩ đỏ thường thấp giá hơn chim trĩ xanh từ 200 - 300 nghìn đồng. Với 4 dãy chuồng, bà Lành khoe: “Giờ đây trại nuôi chim trĩ sinh sản của tôi lúc nào cũng có trên một 100 con bố mẹ”. Chim trĩ xanh nuôi đến tháng thứ 9 thì trưởng thành, nặng khoảng 1,2 - 1,5 kg/con và bắt đầu đẻ trứng. Với đàn chim 80 con mái, mỗi năm đẻ khoảng 8.000 quả trứng, tỷ lệ ấp nở thành công được 80%. Tính ra, mỗi năm gia đình bà Lành xuất chuồng được trên 6 nghìn con chim trĩ 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, số tiền lãi từ chim bố mẹ không thể bằng được số tiền lãi từ bán chim con 1 tháng tuổi. Bình quân mỗi năm, gia đình bà xuất bán ra thị trường khoảng 6 nghìn chim trĩ con 1 tháng tuổi với giá từ 150-170 nghìn đồng/con tuỳ thời điểm. Giá trứng của chim trĩ đỏ từ 6.000 - 8.000 đồng/quả, đối với chim trĩ xanh là 8 - 10 nghìn đồng/quả. Hiện tại, gia đình bà thường xuyên cung ứng trên thị trường Hà Nội, Nghệ An, Vĩnh Phúc mỗi tháng hơn 150 cặp chim giống bố mẹ; 600 - 800 chim trĩ đỏ, xanh giống. Hiện nhu cầu chim trĩ giống và chim trĩ thịt khá lớn, gia trại của bà Lành không thể đáp ứng kịp. Nhiều người muốn mua chim trĩ giống phải đặt tiền trước vài ba tháng mới có. Còn các nhà hàng thì thường xuyên yêu cầu ký hợp đồng cung cấp chim thịt lâu dài, nhưng hiện bà chỉ dám ký hợp đồng cung cấp cho một nhà hàng.
Một vốn, bốn lời nên một số gia đình ở xã Giao Tiến đã chủ động mua giống, tự gây đàn bán chim trĩ thương phẩm. Bà Vũ Thị Huệ ở xóm 7, Hùng Tiến cho biết, hiện tại, gia đình bà vừa xuất bán hơn 200 chim bố mẹ, chỉ còn hơn 600 chim trĩ đỏ nuôi để bán giống và nuôi thịt thương phẩm. Đây là loại chim ít bệnh, nuôi tốn ít thức ăn, ít công đầu tư chuồng trại nên tính ra vốn thu về nhanh và rất lớn. Theo đó, một con chim trĩ đỏ gần 1 tháng tuổi mua ở trại giống về có giá khoảng 100-120 nghìn đồng, chỉ sau 3 tháng chăn nuôi bán ra thị trường với giá từ 170 - 250 nghìn đồng/kg. Trừ hết chi phí, một con cho lợi nhuận từ 200 - 250 nghìn đồng gấp 2 lần so với chăn nuôi gà vịt thông thường. Với chim trĩ xanh, lợi nhuận còn cao hơn vì ngoài giá trị về chất lượng thịt thì chim trĩ xanh còn được nhiều gia đình mua về nuôi làm chim cảnh. Đồng chí Cao Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Tiến cho biết: “Hiện tại, chính quyền xã cũng rất quan tâm đến mô hình nuôi chim trĩ bởi ưu điểm vốn đầu tư ít, lợi nhuận cao, rất gần gũi với người nông dân. Địa phương sẽ tiến hành nghiên cứu và tổ chức các khóa học chuyển giao kỹ thuật nuôi chim trĩ để có thể mở rộng mô hình trong thời gian tới. Việc nông dân chủ động tìm hướng sản xuất mới, bên cạnh là sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, hy vọng nhiều hộ dân ở Giao Tiến sẽ có thêm một mô hình làm ăn hiệu quả”./.
Đức Toàn