00:00 Số lượt truy cập: 2999784

Làm giàu từ trang trại nhím và thanh long 

Được đăng : 03/11/2016
Một lần được trực tiếp nghe giáo sư Nguyễn Lân Hùng thuyết trình “Nuôi có lãi nhất, không gì bằng nhím, trồng có lãi nhất là cây thanh long”. Ông Nguyễn Văn Thơ ở thôn Bãi Dài, xã An Sinh, Đông Triều (Quảng Ninh) đã để tâm nghiên cứu rồi quyết chí đầu tư lớn, phát triển loại cây, con này.

Với lợi thế diện tích trang trại rộng 11 ha, gia đình ông có những điều kiện thuận lợi để quy hoạch trồng và nuôi loại cây con trên, ông bán 1 ha rừng mít (400 triệu đồng) để lấy tiền đầu tư.


Xác định không nắm chắc kỹ thuật là sẽ cụt vốn, gia đình ông đi đến các hộ và trang trại nuôi nhím có nhiều kinh nghiệm ở miền Trung và Viện Chăn nuôi để học tập, áp dụng. Năm 2006, ông lên Sơn La mua về 6 nhím cái cùng 3 nhím đực, ngay năm sau, số nhím trên đa sinh sản và tăng đàn lên 24 con. Tiếp đó đến năm 2008, hoà vốn và năm 2009 riêng nuôi nhím gia đình ông có lãi hơn 700 triệu đồng. Ông Thơ nói chắc, năm 2010 sẽ lãi hơn 1 tỷ. Rồi ông cắt nghĩa: Giá bán một đôi nhím vừa tách mẹ (nhím 2 tháng tuổi) là 17 triệu đồng; mỗi năm nhím mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 3 con. Hiện tại trong chuồng nhà ông có hơn 100 con nhím; mỗi chuồng nhím của gia đình có kích thước 1,2 x 1,5 m, nền không lát gạch trơn bởi nhím dễ trượt chân làm sảy thai. Vách lát gạch đỏ, mùa đông ấm và mùa hè mát. Để nhím lớn nhanh, sinh sản tốt, không được nuôi bằng thức ăn tăng trọng, tất cả thức ăn đều có nguồn gốc tự nhiên, tốt nhất là tất cả các loại củ, quả. Trong nhà ông thường trữ sẵn hàng tấn hạt ngô để chủ động nguồn thức ăn cho nhím. Mỗi ngày trung bình một con nhím có ăn hết 1 lạng ngô và phải cho ăn kèm các loại rau cỏ như bèo Nhật Bản, lá khoai lang, củ ráy, xơ mít để nhím đỡ “xót ruột”... Thời kỳ đầu phải cho nhím ăn thật tốt, khi đã trưởng thành, có thể cho ăn bình thường hơn. Một số gia đình nuôi nhím chỉ dùng rau muống, vì thiếu chất sau này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nhím, thức ăn cho nhím dễ kiếm mà không phải đầu tư nhiều. Nhím ít bệnh và có mắc cũng dễ chữa, nhiều khi, chỉ cần thay đổi khẩu phần ăn là nhím tự khỏi bệnh. Có dư luận sợ nuôi nhím không sinh sản. Thực chất của vấn đề này là nhím bị đói hay thức ăn không đủ chất dinh dưỡng đã tác động xấu đến việc sinh sản. Đồng thời còn 3 nguyên nhân làm nhím không đẻ, đó là do thiếu hiểu biết nên người nuôi mua về toàn nhím đực; mua phải nhím rừng, thời gian để thuần hoá rất lâu và loại này cũng lâu đẻ; những con nhím chọn để “cặp đôi” bị trùng huyết (cùng bố mẹ hoặc huyết thống quá gần) nên vô sinh. Nhím của gia đình ông Nguyễn Văn Thơ chủ yếu bán cho các hộ dân trong làng và cho xã Bình Khê, từ sự hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm của ông, một số đàn nhím mà ông bán đã bắt đầu đẻ.


Cùng với nuôi nhím gia đình ông cũng đi mua giống thanh long về trồng. Đến nay vườn ông Nguyễn Văn Thơ đã có hơn 400 hốc thanh long ruột đỏ, loại quả này bổ ra khá nhiều nước và có mùi thơm hết sức đặc trưng. Ở vùng Uông Bí, Đông Triều thanh long ruột đỏ trồng chưa nhiều, có bao nhiêu quả là các khách sạn ở Hà Nội đặt mua hết nên giá bán khá đắt từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg. Một mầm thanh long giống mua tại trung tâm giống cây trồng Hà Nội có giá 15.000 đồng/mầm, nhưng ông Thơ chỉ bán 5.000 đồng/mầm thế mà vừa qua cũng thu được 6 triệu đồng.