00:00 Số lượt truy cập: 2993881

Làm giàu với mô hình tổng hợp 

Được đăng : 03/11/2016

Mô hình trồng lúa, màu và nuôi lươn của gia đình ông Bùi Hữu Đức ở tổ 3, khóm Long Hưng 2, phường Mỹ Thới, TP Long xuyên (tỉnh An giang) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông là một điểm sáng để bà con trong  vùng học tập.


Gia đình ông hiện có 2 ha đất trồng lúa; 0,2 ha chuyên trồng màu và 11 bồn nilon nuôi lươn. Năm 2010, ông nuôi thử nghiệm 5 bồn lươn. Thấy có hiệu quả, năm 2011 ông đầu tư mở rộng thêm 5 bồn nuôi, diện tích nuôi lươn chủ yếu sử dụng đất sau nhà, bên hông nhà nên rất thuận tiện trong việc chăm sóc, tận dụng được thời gian nông nhàn của các thành viên trong gia đình và đặc biệt là nguồn thức ăn tại chỗ nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí sản xuât.

Trong canh tác lúa, ông thường xuyên tham gia các cuộc hội thảo, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân và Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức, từ đó đã ứng dụng chương trình “1 phải-5 giãm” và quản lý dịch hại theo mô hình công nghệ sinh thái trên đồng ruộng. Nhờ ứng dụng phương pháp sản xuất hiệu quả, ông đã giảm được 3-4 lần phun thuốc mỗi vụ. Riêng nuôi lươn trong bồn nilon, để tiết giảm chi phí đầu tư, ông đã cải tiến, thay thế từ cây tre để làm cột khung bồn bằng trụ đá. Từ đó thời gian sử dụng lâu dài hơn, tiết kiệm khoảng 500 nghìn đồng mỗi bồn, một năm tiết kiệm được 11 triệu đồng.

Từ mô hình nuôi lươn có hiệu quả, những nông dân trong vùng đã đến trao đổi kinh nghiệm và phát triển theo mô hình của gia đình ông. Hiện nay, trên địa bàn đã có 65 hộ nuôi với 350 bồn nuôi tập trung trong khóm. Ông được các thành viên tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ KTHT nuôi lươn khóm Long Hưng 2,  Phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên.

 Thành công trong việc sản xuất của gia đình, hàng năm ông cũng giúp vốn cho trên 10 hộ từ  2 - 4 triệu mỗi vụ khi họ thiếu vốn đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm nuôi cho trên 15 hộ. Để  hạn chế ô nhiễm nguồn nước thải trong quá trình nuôi, gia đình ông đã sử dụng hồ lắng, sau đó dùng bùn bồi lắng trong nước thải đưa vào cải tạo vườn cây ăn trái, lắp hầm để trồng cây làm rẫy… và kinh nghiệm được các thành viên trong tổ áp dụng rất tốt từ đó đã hạn chế xả trực tiếp nước thải từ bồn nuôi ra kênh rạch trong 2 năm qua. Riêng nguồn phụ phẩm từ thức ăn nuôi lươn (vỏ ốc - hến) thì bán cho 1 công ty thu mua vừa tăng nguồn thu nhập cho gia đình và góp phần bảo vệ môi trường.

Ông cho biết, tổng các nguồn thu của gia đình trong năm 2011 sau khi đã trừ chi phí đạt trên 600 triệu đồng, trong đó nguồn thu từ trồng lúa đạt 56 triệu đồng, trồng màu đạt 82 triệu đồng, còn lại là nguồn thu từ việc nuôi lươn. Hàng năm, gia đình ông đã tạo việc làm cho trên 20 lao động tại địa phương với thu nhập 100 nghìn đồng mỗi ngày.

Ông và gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tích cực tham gia, ủng hộ các phong trào do địa phương phát động. Ông đã được nhận rất nhiều bằng khen của các ngành, các cấp ở địa phương, đặc biệt năm 2012 ông vinh dự được tham dự Hội nghị nông dân SXKD giỏi toàn quốc do TW Hội tổ chức tại Hà Nội./.