00:00 Số lượt truy cập: 3080828

Làm lúa trái vụ, cơ hội cho nông dân rừng tràm Cà Mau 

Được đăng : 03/11/2016
Đứng trước thực trạng mâu thuẫn giữa sản xuất nông nghiệp và bảo vệ rừng, nhiều hộ canh tác trên các lâm phần rừng tràm của huyện U Minh (Cà Mau) đã tìm cho mình một hướng đi mới. Hiện vụ lúa đông xuân được bà con coi là vụ chính nhờ hiệu quả và năng suất khá cao.

Cấy dặm khóm lúa bị chết.

Những năm trước, gia đình ông Lê Văn Hùng ở ấp 18 (xã Khánh Thuận) chỉ biết làm một vụ lúa mùa, năng suất thấp do phải giữ nước để bảo vệ rừng. Hiện ông đã thực hiện mô hình làm lúa trái mùa trên diện tích 1,5ha, sử dụng giống lúa Hầm Trâu.

Vụ này, ông chủ động điều tiết nước trên ruộng, bảo đảm cho lúa phát triển và đợi đến khi mùa mưa kết thúc, tức là vào đầu tháng 11 dương lịch mới tiến hành xuống giống, đồng thời bao khuôn toàn bộ phần diện tích đất nông nghiệp.

Toàn bộ các con đập giữ nước ở khu vực này đều được khép kín, người dân trang bị máy bơm để chủ động đưa nước vào ruộng và tháo nước khi cần. Với cách làm này, năng suất lúa đã cao vượt trội so với trước đây, bình quân đạt 4-4,5 tấn/ha (trước đây chỉ khoảng 2-2,5 tấn/ha).

Ông Hùng bộc bạch: “Những năm trước làm lúa mùa vừa tốn công, tốn chi phí mà hiệu quả không cao. Bởi ngay thời điểm cấy lúa thì các con đập chính giữ nước bảo vệ rừng đắp lại, nước không thoát được gây ngập úng, phải cấy lại nhiều lần. Từ khi làm lúa trái vụ, cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều”.

Trên thửa ruộng rộng 1,5ha của ông Hồ Văn Giao (cũng ở ấp 18) lúa đang trổ bông đẹp, năng suất ước đạt 4,5-5 tấn/ha. Năm nay, gia đình ông Giao tiếp tục sử dụng giống lúa ST 5 do giống này thích hợp với vùng đất phèn, thời gian sinh trưởng 100 ngày, kháng được rầy nâu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Trước đây, ông Giao phải sạ từ 18-20kg giống/công, khi dùng lúa ST 5 chỉ cần 15kg. Ba năm qua ông đều trúng mùa, không còn lo lắng khi mùa vụ tới.

Từ hiệu quả mô hình sản xuất lúa đông xuân ở ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh đang hướng đến việc tập trung sản xuất đại trà để nâng cao đời sống cho nông dân. Trước mắt là quy hoạch lại vùng và tham mưu với ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con.