Hai năm trước khi giá muối tăng, người dân nam Trung bộ ồ ạt phá tôm làm muối mà không lường đến ngày giá muối “bỗng dưng muốn khóc” như hôm nay. Trong khi đó, Bộ Công thương lại cho nhập 170 ngàn tấn muối.
Chúng tôi về Ninh Thuận, nơi cung cấp sản lượng muối hàng năm cao nhất nước, bình quân trên 200.000 tấn do khí hậu ở đây mưa ít, nắng nhiều rất thuận cho làm muối. Hai năm gần đây, giá tiêu thụ muối luôn ở mức cao, có lúc lên tới 1,5 triệu đồng/tấn (tháng 7,8/2008) nên chỉ riêng huyện Ninh Hải đã có hàng loạt nông dân phá tôm, kể cả các triền núi nằm sát bờ biển để làm muối. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện, tổng diện tích SX muối lên đến gần 1.100 ha, trong đó muối công nghiệp 761 ha, muối diêm dân 320 ha. Đấy là chưa tính vùng quy hoạch 400 ha thuộc dự án muối công nghiệp-diêm dân bắc Tri Hải.
Ông Trần Duy Dũng, Phó phòng Kinh tế huyện cho biết, người dân thấy làm muối lãi cao thì đổ xô chạy theo, chỉ riêng vùng quy hoạch nuôi tôm 14 ha ở thị trấn Khánh Hải trong chốc lát đã lấp đầy “đồng muối”. Ông Mười Hợi, một diêm dân cho biết, tháng 8/2008 ông phá 1,5 ha tôm sang làm ruộng muối, mỗi tháng ông cào mấy đợt được khoảng 50 tấn. Với giá đó, sau khi trừ chi phí ông thu lãi gần 60 triệu đồng/ha. “Chẳng bù cho bây giờ, nhà tui còn neo 35 tấn không bán được vì giá quá thấp. Lúc nuôi tôm sú, ngân hàng “khoanh nợ” cho 90 triệu, chuyển sang làm muối nợ thêm 40 triệu nữa, bây giờ không biết lấy đâu mà trả”- ông Mười Hợi than thở.
Trường hợp ông Trương Văn Lắm đặc biệt hơn. Thay vì phá tôm, ông Lắm thế chấp nhà vay tiền ngân hàng 100 triệu đồng thuê máy ủi, máy xúc biến 2 sào đất triền núi thành ruộng muối. Ông kể, do đất triền núi cao gần 3m so với đồng muối nên ông thuê thêm xe ben chở bùn lên đổ làm nền ruộng, sau đó bơm nước mặn lên chia thành từng ô để làm muối. Năm 2008 khi muối được giá, ông trả nợ ngân hàng được phân nửa, còn nay thì “bó tay”.
“Theo tôi, việc NK muối nên thực hiện có lộ trình, thời gian nào nên nhập cho hợp lý để đảm bảo bình ổn giá muối trong nước, cũng như đáp ứng tiêu dùng và nguyên liệu cho chế biến. Mặt khác, việc theo dõi SX muối là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT nên việc cân đối thừa- thiếu muối trong nước ra sao cũng như nhu cầu NK muối thì hai Bộ Công thương và NN-PTNT nên có sự thống nhất để đảm bảo quyền lợi cho diêm dân” (ông Nguyễn Đức Thu).
Nhưng quy mô hơn cả phải kể đến ông Hai Vĩnh, ông này đã bỏ ra hàng tỷ đồng để cải tạo 10 ha đất đồi dốc, hoang hóa ở phía bắc xã Tri Hải thành đồng muối hình bậc thang. Nước mặn được bơm từ đầm Nại cách đó chừng 4km, qua đường ống dẫn về các đồng muối. Chi phí san ủi, đổ bùn làm nền ruộng, xây bờ, kéo điện, ống nước hết hơn 2 tỷ đồng. Thế nhưng, chi phí bỏ ra thu hồi chưa được, nay giá muối xuống thấp ông như ngồi trên lửa. “Tôi còn nợ ngân hàng mấy tỷ chưa trả, nay có cả mấy trăm tấn muối không bán được. Bây giờ giá muối trở về của năm 2006, mà lúc đó giá xăng 12.000 đ/lít, dầu 8.500 đồng, làm 1 ha muối có thể lãi từ 2- 2,5 triệu, nay xăng lên 17.000 đồng, dầu cũng lên 15.500 đồng thì làm sao không lỗ?”- ông Vĩnh nói.
Trao đổi với NNVN, hôm qua 28/2 ông Nguyễn Đức Thu- GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh này có hơn 1.700 ha muối, trong đó diện tích muối công nghiệp là 1.300 ha. Điều đáng nói là diện tích muối tăng 7% chủ yếu do diêm dân chuyển từ đìa nuôi tôm không chủ động nguồn nước chuyển sang làm muối để trả nợ vay ngân hàng khi nuôi tôm. Theo ông Thu giá muối đang giảm khá mạnh, từ chỗ giá muối công nghiệp 1,1-1,2 triệu đồng/tấn, giá muối diêm dân từ 700-900.000 đồng/tấn thì nay chỉ còn 350-400 ngàn đồng/tấn (muối diêm dân) và 600-750 ngàn đồng/tấn (muối công nghiệp).