00:00 Số lượt truy cập: 2999199

Làm rau, hoa kiểu mẫu 

Được đăng : 03/11/2016

Đà Lạt vốn nổi tiếng với nghề truyền thống trồng rau, hoa và dâu tây cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Nhiều mô hình được đánh giá là kiểu mẫu trong đầu tư nông nghiệp hiện đại mang lại hiệu quả và thu nhập cao cho nhà nông...


TRỒNG RAU, HOA THU BẠC TỶ

Nằm giữa thành phố sương mù, Đà Lạt là “đại bản doanh” tập trung hàng trăm khu nhà lưới, nhà màng san sát nhau đang trồng các loại rau, hoa và dâu tây theo mô hình NNCNC. Đi thực tế tại đây, chúng tôi như lạc vào một rừng rau, hoa, củ, quả được các chủ nông trại đầu tư canh tác theo quy trình khép kín rất bài bản hiện đại, không thua kém gì các mô hình sản xuất NNCNC của các nước phát triển.

Chúng tôi ghé vào thăm nông trại của hộ ông Lê Hữu Phan, một chủ vườn có thâm niên 20 năm trong “nghiệp rau” (số 50, Hồ Xuân Hương, phường 9, TP.Đà Lạt) được tận mắt chứng kiến toàn khu vườn nằm trong nhà lưới có diện tích 390 m2 đang ứng dụng công nghệ cao của Israel với hệ thống tưới, phun hoàn toàn tự động. Gặp chúng tôi, ông Phan vui vẻ tâm sự: “Thời buổi này bà con chúng tôi buộc phải đầu tư sản xuất bài bản như vầy mới “ăn khách” đấy. Nay sản phẩm rau, củ sạch của các hộ dân đã tạo được thương hiệu riêng nên chẳng cần lo tìm mối lái nữa, cứ đến đợt thu hoạch chỉ việc “alô” là các doanh nghiệp ào tới hốt hết liền”.

Đặc biệt, ấn tượng nhất khi chúng tôi chứng kiến những líp cây bí với rủng rỉnh những trái khổng lồ nằm la liệt phía cuối khu vườn. “Đây là loại “bí khủng” giống của Mỹ nhập về đấy, mỗi trái phải nặng tới 100 kg, nhiều mối đang đặt hàng thu mua hết số trái bí này nhưng tôi còn đang cân nhắc giá cả” - ông Phan hào hứng khoe. Theo ông Phan, để có được mô hình vườn rau sản xuất theo quy trình NNCNC, gia đình ông phải đầu tư xây dựng nhà lưới đúng tiêu chuẩn hết 700 triệu đồng, chưa kể tiền vốn giống, phân, nước… Tuy nhiên, cũng chỉ sau 2 năm trồng rau đã kéo lại vốn đầu tư, còn nếu trồng hoa thì càng nhanh hơn, chỉ cần sau 1 năm đã hoàn vốn.

Dẫn chúng tôi đi thăm quanh vườn, ông Phan chẳng ngại chia sẻ những bí quyết giúp gia đình ông thành công với mô hình trồng rau, củ công nghệ cao này. Để có được thành quả như ngày hôm nay, bản thân ông không ngại dò tìm học hỏi cách làm mới từ nhiều nước để có thêm kinh nghiệm.

Ông Phan khẳng định rằng, trình độ và kinh nghiệm của người dân Đà Lạt làm NNCNC đến nay chẳng hề thua kém bất cứ đất nước nào trên thế giới. Theo suy nghĩ của ông Phan, sản xuất rau, củ công nghệ cao trước hết phải chú trọng ngay từ khâu nước (vì trong rau, củ chiếm tới 70-80% lượng nước), nguồn nước có sạch thì sản phẩm rau, củ tạo ra mới sạch. Trong vườn được ông Phan cho phân ra thành từng lô, từng nhóm rau, củ và có ký hiệu mã số riêng để dễ chăm sóc và quản lý kỹ thuật chặt chẽ.

Hiện gia đình ông đang trồng các loại rau như: xà lách, súp lơ xanh, bí, ớt ngọt, rau thơm… Đây là những giống được tuyển chọn có ưu điểm năng suất cao, kháng bệnh tốt nên gia đình ông Phan đã phải chấp nhận mua giống nhập ngoại từ Mỹ và Hà Lan về với giá cao gấp 5-10 lần so với giá trong nước. Cụ thể là giống ớt ngọt nhập từ Hà Lan về có giá 4.000 đ/hạt, hoặc có khi lên tới 10.000 đ/hạt; hay 1 hộp hạt rau (25 gram) nhập ngoại có giá từ 500.000-600.000 đ/hộp, trong khi cũng cùng loại hạt giống rau và trọng lượng mua trong nước chỉ có 25.000 đ/hộp.

Ông Phan cho biết, nông dân đã chấp nhận đầu tư bài bản cho toàn bộ quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch đạt chất lượng tốt khiến các DN lớn cũng dám đặt hàng thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường từ 10 - 20%, tùy thời điểm.

Tìm hiểu thực tế các mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao ở đây, nhiều chủ vườn cũng xác nhận, thu nhập trên mỗi ha canh tác đạt bình quân từ 120 - 150 triệu đồng/năm. Cá biệt những diện tích sản xuất hoa chất lượng cao, doanh thu bình quân đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm; còn với cây rau cao cấp đạt doanh thu bình quân từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm...

TRỒNG DÂU TÂY, XÂY BIỆT THỰ

Dẫn khách vào tham quan vườn dâu tây đang độ ra trái sai chín mọng, bà Lan, chủ vườn dâu ở số 57, Hồ Xuân Hương, TP. Đà Lạt kể: Gia đình bà có 6 sào đất vườn, trước đây trồng súp lơ, cải thảo, bắp cải, xà lách. Tuy nhiên, sau đó bà lại “kết” trái dâu tây New Zealand cho thu hoạch quanh năm, khác hẳn giống dâu đá đang trồng phổ biến ở Đà Lạt mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ. Tuy nhiên, vốn đầu tư để trồng loại dâu này rất lớn và phải tuân theo quy trình công nghệ nghiêm ngặt. Vậy nhưng gia đình bà vẫn quyết tâm tìm hiểu về quy trình kỹ thuật để bắt đầu bước vào “nghiệp dâu”.

Năm 2001, vợ chồng bà Lan trồng thử nghiệm 1,5 sào dâu tây, diện tích đất còn lại trồng xà lách giống mới. Bà Lan cho biết, vốn đầu tư cho một sào dâu tây (hệ thống nhà lưới khung sắt, hệ thống tưới tự động) bình quân khoảng 70 triệu đồng/sào, đó là chưa kể tiền mua cây giống (15.000 đồng/cây, mỗi sào trồng 3.000 cây). Việc áp dụng quy trình kỹ thuật khép kín từ khâu làm đất, trồng, phun thuốc, tỉa lá, thu hái bảo quản sau thu hoạch được gia đình bà thực hiện rất nghiêm ngặt và quản lý chặt chẽ.

Hiện, gia đình bà Lan đã mở rộng thêm diện tích lên 3 sào dâu tây, mỗi ngày thu 30kg dâu. Dâu loại 1 bán với giá 50.000 đồng, loại 2 là 30.000 đồng, còn loại 3 cũng bán được giá từ 15.000-20.000 đồng/kg. Bà Lan tâm sự: “Khách hàng muốn mua dâu phải lên mạng đặt hàng, hoặc “alô” báo trước 2 ngày. Khoảng vài ngày lại có nhóm thương lái ghé tận nhà mua dâu của gia đình tôi đem sang Campuchia bán nên khỏe re chẳng phải đi chào mời đâu xa”. Theo bà Lan, bình quân mỗi ngày gia đình bà thu về 800.000 đồng, và mỗi sào dâu tây cho thu 200 triệu đồng/năm.

Đà Lạt hiện có xấp xỉ 10.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có trên 4.600 ha đất chuyên canh tác rau hoa các loại. Mỗi năm, Đà Lạt cung cấp cho thị trường khoảng 240.000 tấn rau và hơn 600 triệu cành hoa, riêng sản lượng hoa xuất khẩu đạt 25%, cũng là địa phương chiếm thị phần hoa xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Hàng loạt DN, nông trại, nông hộ sản xuất rau đã đạt được các chứng chỉ ViệtGAP, GlobalGAP...

Bên cạnh đó, gia đình bà còn trồng 3 sào xà lách giống mới (Romaine) do Cty Hùng Thiên cung cấp và bao tiêu toàn bộ sản phẩm để chế biến, đóng gói xuất sang Đài Loan. Cứ khoảng 6 tuần, bà xuất gần 20.000 cây xà lách, với giá 2.000 đồng/cây, như vậy mỗi sào xà lách Romaine cũng đem lại nguồn thu cho gia đình bà khoảng gần 500 triệu đồng/năm. Do vậy, gia đình bà Lan hay ông Phan cũng như nhiều chủ nông trại khác trồng rau, hoa công nghệ cao ở đây chỉ sau một thời gian ngắn kinh tế đã ổn định và giàu lên nhanh chóng, các hộ mua sắm xe hơi ào ào và xây biệt thự hoành tráng.

Chương trình NNCNC hiện đang phát triển khắp trên địa bàn Lâm Đồng, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Những mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao đang nhanh chóng được nhân rộng trên cơ sở tự giác, tích cực của người nông dân. Có thể nói, ít thấy ở đâu, người nông dân lại háo hức tìm đến với công nghệ mới như ở Lâm Đồng. Ở đây, các nông hộ đã rất mạnh dạn trong việc đầu tư áp dụng kỹ thuật mới: về giống cây trồng, nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới, cho tới việc tổ chức sản xuất, hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản…

Có được những thành quả trên là do địa phương này đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, thay đổi từ một nền sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống sang sản xuất NNCNC, ứng dụng những tiến bộ KHKT mới trong nông nghiệp, tạo nên một bức tranh sáng màu về diện mạo nông nghiệp hiện đại.