00:00 Số lượt truy cập: 2667649

Lâm sản ngoài gỗ - cây hàng hóa nhiều triển vọng 

Được đăng : 03/11/2016
Năm 2005 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có cuộc khảo sát về tình hình phát triển lâm sản ngoài gỗ (LSNG) ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm "Xây dựng đề án phát triển Lâm sản ngoài gỗ và kế hoạch hành động Quốc gia về Lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam giai đoạn 2006-2020". Trên cơ sở đó sẽ thống kê toàn bộ diện tích các loài cây LSNG có trong tỉnh và sẽ lựa chọn loài cây nào có tiềm năng và triển vọng để mở rộng sản xuất giúp dân xoá đói giảm nghèo.

Đối với Bắc Giang, một tỉnh có khá nhiều diện tích đất lâm nghiệp nên việc đưa các loài cây LSNG vào trồng là hoàn toàn phù hợp với định hướng của tỉnh. Theo số liệu sơ bộ của Chi cục phát triển lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) thì hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30 ngàn ha cây LSNG, trong đó diện tích rừng tự nhiên khoảng 25 ngàn ha và chủ yếu tập trung ở một số loài cây như Tre luồng, song mây, nhựa trám, nhựa thông, dẻ. Trong vài năm trở lại đây một số đơn vị như Chi Cục HTX và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Khuyến lâm tỉnh và các huyện có diện tích đất rừng nhiều đã triển khai tới các hộ dân nhằm mở rộng và phát triển các mô hình về cây LSNG như Tre Bát độ, song mây, trám ghép, kim tiền thảo, ba kích, hương bài, gừng trâu... với diện tích lên đến 5 ngàn ha.

Đặc biệt từ năm 2004 đến nay Viện kinh tế sinh thái đã giúp đỡ nông dân ở 2 xã Tuấn Đạo, Bồng Am huyện Sơn Động triển khai Dự án hỗ trợ chuyên ngành LSNG với tất cả 12 loài cây. Mục tiêu của Dự án là nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan nghiên cứu và quản lý ở Việt Nam, để hỗ trợ việc sử dụng LSNG công bằng và bền vững về mặt sinh thái, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao đời sống của người dân nghèo trong và xung quanh khu vực rừng. Cho đến thời điểm này có khá nhiều mô hình được bà con nông dân đánh giá cao, vì đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Điển hình là mô hình trồng măng tre Bát độ do Trung tâm khuyến nông khuyến lâm tỉnh triển khai từ năm 2000 đến nay với quy mô 150 ha, bình quân mỗi ha thu được khoảng 40 tấn măng tươi/năm với giá bán như hiện nay là 3.000đ/kg thì doanh thu đạt được 120 triệu đồng. Ngoài ra còn chưa tính tiền bán cành giống và những thân cây già loại thải để bán cho các cơ sở chế biến bột giấy.

Ông Đặng Văn Tặng, Trưởng trạm giống cây ăn quả cây lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho chúng tôi biết: Những năm trước đây, toàn bộ diện tích 7 ha của Trạm chuyên sản xuất và nhân giống cây ăn quả, năm nào cũng phải chi hàng chục triệu đồng để thuê nhân công dọn cỏ. Với mục tiêu cải tạo đất, tăng thu nhập, năm 2006 Trạm đã tiến hành trồng thử nghiệm 1 ha cây kim tiền thảo trồng xen dưới tán cây ăn quả và những khoảng đất trống. Kết quả cho thấy, toàn bộ phần diện tích trồng cây kim tiền thảo đã hạn chế được cỏ dại, không mất chi phí thuê nhân công dọn cỏ, sản phẩm thu về là 13 tấn kim tiền thảo tươi với giá bán ngay tại hiện trường là 1500đ/kg, thu nhập gần 20 triệu đồng, trong khi đó chi phí tiền giống, công chăm sóc, phân bón chỉ hết có 4 triệu đồng. Do trồng muộn nên chỉ thu được một lần, nếu trồng đúng thời vụ, đảm bảo đủ độ ẩm để cây phát triển thì sản phẩm sẽ tăng gấp 3 lần (khoảng 60 triệu đồng/ha/vụ). Từ mô hình này có thể áp dụng được đối với những hộ dân có diện tích trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp nhằm lấy ngắn nuôi dài, giảm công thu dọn cỏ dại và nâng cao độ phì đất. Đối với vùng được hưởng lợi từ Dự án LSNG, nông dân tham gia mô hình còn được cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Dự án còn lựa chọn những hộ có nguyện vọng, đảm bảo đủ các tiêu chí chung, có trách nhiệm khi tham gia thực hiện mô hình và được thăm quan học tập kinh nghiệm sản xuất ở một số tỉnh trong cả nước. Từ đó giúp người dân nâng cao được nhận thức về giá trị lợi ích kinh tế của từng đối tượng cây trồng, nắm bắt được các thông tin khả năng cung cầu về sản phẩm LSNG. Sau thời gian triển khai đến nay đã có gần 200 hộ vùng dự án tham gia thực hiện mô hình với tổng diện tích 34 ha. Đồng thời còn xây dựng được một số vườn ươm cung cấp cây giống tại chỗ cho nông dân, xây dựng mô hình vườn bảo tồn cây thuốc nam tại Trạm y tế xã Bồng Am. Riêng đối với mô hình trồng gừng Trâu xuất khẩu, từ tháng 3 năm 2005 đến nay đã cung ứng cho các hộ dân được 5,5 tấn giống để sản xuất.

Ông Trần Văn Phùn ở bản Đồng Ram xã Tuấn Đạo cho hay: Từ khi có dự án dân bản ở đây vui lắm, học hỏi được nhiều kiến thức để sản xuất cây LSNG, các chuyên gia còn hướng dẫn rất cẩn thận về cách trồng, chăm bón, giám sát theo dõi cây sinh trưởng phát triển ngay tại hiện trường. Bản thân gia đình tôi được Dự án hỗ trợ 100kg Gừng giống, 50kg phân bón và toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật để trồng 1 sào. Tháng 9 vừa qua đã được thu hoạch 4 tạ gừng, Công ty Pacific vào tận nơi thu mua với giá 4000đ/kg và gia đình đã có khoản tiền 1,6 triệu đồng (Nếu trồng thuần loài thì 1 sào có thể cho thu hoạch 1 tấn). Thông qua dự án LSNG đã tác động mạnh tới cán bộ và nhân dân trong vùng dự án, nhiều hộ đã tự ý thức trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Có thể nói thị trường LSNG đang rất sôi động, nhiều thương lái ở các tỉnh Thái Bình, Hà Tây đến tận các thôn bản ở vùng sâu vùng xa của tỉnh để thu mua sản phẩm. Có khá nhiều nông hộ trở nên khá giả từ các cây LSNG như gia đình anh Đinh Ngọc Út ở thôn Sơn Hà xã Bồng Am; gia đình có 4 ha rừng, trong đó có 600 cây Trám. Năm 2006 ngoài 2,4 triệu đồng thu từ 4 tạ Trám quả, từ tháng 7-tháng 12 bình quân mỗi tháng thu được 4 triệu đồng từ việc khai thác nhựa trám (giá 1kg nhựa bán được 17.000đ/kg), các tháng còn lại tập trung chăm sóc phục hồi cây.

Theo anh Hoàng văn Toản, Chủ nhiệm HTX dịch vụ và thu mua cây dược liệu ở huyện Yên Dũng cho biết: Mỗi năm HTX tiêu thụ cho nông dân trên địa bàn tỉnh khoảng 500 tấn sản phẩm từ các loại cây kim tiền thảo, ích mẫu, nhân trần. Vào thời điểm cuối năm 2005 thị trường sản phẩm kim tiền thảo đang sốt với giá 1kg khô lên đến 15.000đ (bình thường giá 6000đ/kg là nông dân đã có lãi). Ở các xã Tân Mỹ (Yên Dũng), xã Hồng Thái (Việt Yên) bà con có kinh nghiệm sản xuất nên mỗi sào cây kim tiền thảo rẻ cũng được 1,5 triệu đồng, trong đó chi phí đầu tư toàn bộ chỉ hết hơn trăm ngàn (ngoài ra còn sản xuất được 1 vụ đông). Cây LSNG rất đa dạng và phong phú, có khoảng 5 nhóm gồm: Các sản phẩm có sợi, sản phẩm làm thực phẩm, làm thuốc và mỹ nghệ có nguồn gốc thực vật, các sản phẩm chiết xuất, động vật và các sản phẩm từ động vật. Vì vậy nó có thể phát triển ở cả 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên với từng nhóm sản phẩm có thể lựa chọn để áp dụng vào trong sản xuất từng vùng miền cho phù hợp với khả năng sản xuất của mỗi địa phương. Trong thời gian tới, Nhà nước cần có quy hoạch và định hướng các vùng sản xuất tạo thành các Trung tâm tiêu thụ hàng hoá là điều kiện rất cần thiết để giúp nông dân thực hiện tốt khâu liên kết 4 nhà. Hiện tại các sản phẩm về LSNG cung vẫn không đủ cầu, đó cũng là tín hiệu vui để thúc đẩy nông dân ổn định sản xuất.