00:00 Số lượt truy cập: 2668986

Lấn chiếm đất nông nghiệp: Phạt tới... 100 triệu 

Được đăng : 03/11/2016
Dự thảo sửa đổi Nghị định 182 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đang được Bộ TN- MT lấy ý kiến các Bộ, ngành và sẽ trình Chính phủ trong tháng 3 này. Lần sửa đổi này có rất nhiều điểm mới.

Nhà nước cho ghi nợ tiền làm "sổ đỏ"

Ông Trần Hồng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê đất đai - Tổng cục Quản lý đất đai, nhận xét: “Có nhiều lý do để người dân không đi đăng ký quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Trong đó có nguyên nhân là do nhiều người dân thờ ơ với việc làm sổ đỏ. Theo họ, nếu không bán đất, thì khỏi cần có sổ đỏ, không có sổ đỏ thì họ vẫn làm nhà ở, trồng trọt trên đất đó, mà không có gì ảnh hưởng. Đó là thói quen của nhiều người dân, vốn coi thường pháp luật”.

Trong khi đó, việc làm sổ đỏ không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ của người dân. Người dân không làm sổ đỏ, thì trước tiên quyền lợi của họ bị ảnh hưởng. Trường hợp đất đó bị người khác lấn chiếm hay có tranh chấp, thì Nhà nước không có cơ sở để bảo vệ họ. Mặt khác việc không đăng ký quyền sử dụng đất sẽ làm khó cho quản lý Nhà nước. “Như vậy, rõ ràng, nếu đất không có sổ đỏ, vì bất cứ một lý do bị xâm phạm nào, chủ sở hữu sẽ rất khó giữ đất”, ông Phi cho biết

Trường hợp người dân có khó khăn về tài chính khi làm sổ đỏ, thì Nhà nước cho ghi nợ tiền sử dụng đất. Ai có nhu cầu thì làm đơn xin ghi nợ, gửi đến cơ quan làm thủ tục về nhà đất. Trường hợp người dân bị cán bộ làm khó dễ, thì có thể phản ánh với chính quyền xã, huyện, tỉnh, nhưng chủ yếu là ở chính quyền xã và huyện và thực hiện theo Luật Khiếu nại, tố cáo.

Người dân phải đi làm sổ đỏ là việc đương nhiên phải thực hiện. Tuy nhiên chính quyền địa phương cũng phải thông báo đến người dân để họ biết và thực hiện. Tổng cục Quản lý đất đai đã có chỉ thị yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện việc cấp giấy.

Lấn chiếm đất nông nghiệp: Phạt tới... 100 triệu

Một trong những quy định mới đáng chú ý trong Dự thảo là: Cá nhân, tổ chức không đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký không đúng loại đất, không đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, thì bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng.

Quốc hội đặt ra mục tiêu đến năm 2010, cả nước cơ bản hoàn thành việc đăng ký cho các loại đất. “Thực tế cho thấy, mục tiêu này khó đạt được. Một trong những nguyên nhân khiến việc cấp sổ đỏ chậm là do người dân không tự đi đăng ký quyền sử dụng đất, dù đó vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của người sử dụng đất”- ông Trần Hồng Phi cho biết.

Như vậy, khi Nghị định mới có hiệu lực, thì những trường hợp “trốn” không đi làm sổ đỏ sẽ bị phạt.

Đối với việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế tặng cho quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phi nông nghiệp tại đô thị mà không thực hiện đúng thủ tục hành chính, thì bị phạt từ 2 triệu đến 10 triệu đồng. Hành vi này thực hiện ở nông thôn, thì bị phạt từ 1 triệu đến 5 triệu đồng.

Cá nhân, tổ chức lấn chiếm đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp, thì bị phạt mức cao nhất là 30-100.000 triệu đồng. Lấn chiếm đất thuộc khu vực đô thị, đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình, đất danh lam thắng cảnh, đất được UBND tỉnh, TP quyết định bảo vệ, thì mức phạt có thể lên tới từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng. Cùng với việc bị phạt tiền, người vi phạm còn phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Một quy định mới đáng chú ý là: Tại khu vực đô thị, cá nhân, tổ chức cản trở cơ quan nhà nước trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, thì bị phạt 0,1% số tiền phải bồi thường cho mỗi ngày do gây cản trở làm chậm việc bồi thường. Hành vi này thực hiện ở nông thôn, thì bị phạt ở mức 0,05%.

“Phát” tin rởm cũng không yên

+ Chuyển đổi đất chuyên trồng lúa nước có hệ thống tưới tiêu chủ động, có năng suất cao sang trồng cây lâu năm, đào ao, hồ, đầm, lấy nước mặn vào ruộng lúa để nuôi trồng thủy sản mà không được UBND cấp có thẩm quyền cho phép thì sẽ bị phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 30 triệu.

+ Để tránh việc hành chính hoá trong xử lý sai phạm về đất đai, Dự thảo nêu rõ: Nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tố tụng có thẩm quyền, mà không được giữ lại để xử phạt hành chính.

Dự thảo Nghị định lần này đưa ra quy định mới nhằm “đề phòng” sự gian dối trong mua bán đất đai. Theo đó, việc cung cấp thông tin về đất đai để chuyển nhượng, hoặc liên kết, liên doanh, nếu không đúng bao gồm: diện tích đất, nguồn gốc đất, giá đất, giấy CNQSDĐ , người sử dụng đất…thì bị phạt từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng. Nếu thông tin đó gây thiệt hại cho người khác hoặc cho Nhà nước, thì bị phạt từ 20 triệu đến 50 triệu đồng. Hơn nữa, người cung cấp thông tin sai còn phải bồi thường thiệt hại do việc cung cấp thông tin sai.

Thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư không có năng lực, nhưng lại “ôm” dự án để xí phần hay chuyển nhượng kiến lời, làm nhiều khu đất rộng bị “treo’” nhiều năm, gây lãng phí, ảnh hưởng đến quy hoạch chung. Dự thảo đã bổ sung quy định mới. Theo đó, đối với người được nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư quá 12 tháng liền không sử dụng đất hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, thì bị phạt từ 2 triệu đến 10 triệu đồng.