Trong 3 năm liền nông dân ở thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã đưa cây dưa hấu vào gieo trồng trái vụ cho thu nhập cao góp phần ổn định đời sống.
Trưởng thôn Rọ Phải, ông Hoàng Văn Bào cho hay: Mấy năm gần đây nhờ các cán bộ khuyến nông chỉ dẫn cách gieo trồng giống dưa lai mới nhập nội từ Trung Quốc, Thái Lan cho năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là trồng trái vụ nên bán được giá cao. Từ mấy sào trồng thử nghiệm thành công năm 2007, đến nay đã có tới 60 hộ trên tổng số 90 hộ trong thôn tham gia trồng được hơn 8 ha dưa hấu trái vụ cho thu hoạch gần 200 tấn quả. Các giống dưa được đưa vào gieo trồng đều là các giống lai nhập nội như Hắc Mỹ Nhân, Cát Tiên, TN 308, TN 12, Kim Cô Nương… sinh trưởng khỏe, dễ trồng, dễ chăm sóc.
Ngoài công thức luân canh 3 vụ/năm, ở đây bà con còn học tập kinh nghiệm của nông dân huyện Lộc Bình là sử dụng cây bầu đất làm gốc ghép nên dưa hấu dù trồng trái vụ vẫn không bị bệnh chết ẻo gây hại. Hiện nay dưa hấu sớm bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ước đạt từ 800-1.000 kg/sào. Với giá bán bình quân 4.500 đồng/kg tại ruộng, mỗi sào dưa hấu trái vụ cho thu khoảng 4,5 triệu đồng, tương đương 100 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 4-5 lần so với dưa chính vụ. Trong thôn hầu như nhà nào cũng thu nhập khá nhờ trồng dưa. Những nhà có lao động, đất đai và có vốn đầu tư trồng được nhiều thu lãi rất lớn như hộ bà Hoàng Thị Sơi trồng tới 7 mẫu, ước tính thu về trên 200 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng còn lãi trên 100 triệu đồng/vụ.
Chị Hoàng Thị Ánh, một trong những gia đình tiên phong trồng dưa trái vụ của thôn cho biết: Điều cốt yếu là phải có giống tốt, nên chọn các giống dưa lai nhập khẩu của Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, đặc biệt là dưa vỏ vàng mới hợp thị hiếu người mua, bán được giá. Muốn cho dưa khỏe, không bị bệnh thối gốc, chết dây và chống hạn tốt thì nên ghép ngọn dưa lai trên gốc bầu đất của địa phương. Dưa lai ăn khỏe nên cần phải bón phân đầy đủ, nhất là phân chuồng hoai mục; bấm ngọn, tỉa nhánh đúng kỹ thuật và kịp thời. Nếu có lao động và điều kiện thì nên thụ phấn bổ sung cho dưa bằng cách lấy hoa đực úp vào nụ hoa cái vào buổi sáng lúc đã tan sương từ 7 giờ đến 9 giờ.
Trên cây nhánh đơn chỉ nên để 1 quả từ lá thứ 7 đến lá thứ 10; trên cây 2 nhánh có thể để 2 quả (mỗi nhánh 1 quả) sẽ cho quả đồng đều, chất lượng tốt. Tưới đủ nước, luôn giữ độ ẩm đất từ 65-70% trong thời kỳ từ khi cây bắt đầu ra hoa cho đến khi quả lớn nhưng phải ngừng tưới trước khi thu hoạch khoảng 20 ngày sẽ giúp tăng sản lượng và chất lượng dưa. Muốn cho trái dưa sáng màu, không bị rám nắng thì nên dùng rơm rạ hoặc bao nilon có chứa vỏ trấu bên trong để gối lót ngay từ khi quả mới bằng nắm tay không cho tiếp xúc trực tiếp với mặt đất.
Thành công của mô hình trồng dưa hấu trái vụ ở xã Mai Pha cùng với các huyện khác như Cao Lộc, Lộc Bình trong thời gian qua của khuyến nông Lạng Sơn đang mở ra một triển vọng cho việc chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý để hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung của tỉnh vùng biên giới này.