00:00 Số lượt truy cập: 3041555

Làng cá chình 6 tỷ 

Được đăng : 03/11/2016
Ở thôn 1, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) trong gần 10 năm trở lại đây rộ lên chuyện nuôi cá chình. Hiện thôn này có gần 30 hộ với hàng chục hồ nuôi, nhiều gia đình khá giả từ nghề này. Doanh thu mỗi năm ước tính hơn 6 tỷ đồng.

Kiểm tra thức ăn của cá chình trong ngày

Những đại gia cá chình

Thôn 1, xã Vinh Mỹ nằm cách biển không tới 1km, một bên là phá Tam Giang rộng lớn. Đặt chân tới đầu làng, chúng tôi gặp ông Nguyễn Lịch đang làm những công đoạn hoàn thiện hồ nuôi cá chình của mình để chuẩn bị cho vụ nuôi đầu. Ông xây 2 hồ, mỗi hồ rộng khoảng 70m2 với kinh phí khoảng 15-20 triệu đồng/hồ. “Làm hồ nuôi con cá ni cũng kỳ công lắm, phải làm bằng ximăng, láng trơn, có hệ thống nước vào ra nữa. Làng ni nhiều người nuôi thành công nên tui cũng làm theo”, ông Lịch nói.

Trưởng thôn Lê Phóng cho biết, nghề nuôi cá chình ở thôn này bắt đầu khá lâu lắm rồi. “Làng này người dân làm đủ thứ nghề, từ thợ xây, thợ kép, đi biển,làm nông… Từ khi nhiều người nuôi được con cá chình thì cũng mở ra cho làng nghề mới, có thu nhập, nhiều hộ khá lên nhờ nó”.

Theo chỉ dẫn của ông Phóng, chúng tôi tìm tới nhà anh Nguyễn Ánh nằm ngay giữa thôn. Căn nhà khá khang trang, to đẹp nhất nhì xóm. “Cũng nhờ vào mấy con cá hết thôi”, anh Ánh chia sẻ.

Ngay trước sân nhà là hồ nuôi cá mà anh xây cách đây gần 10 năm trước. Mặt hồ tĩnh lặng, rêu bèo xanh ngắt, anh Ánh nói loại cá này rất nhút nhát, nên rất ít khi ngoi lên mặt nước. Anh là một trong những người nuôi cá chình đầu tiên của làng. Trước đây anh buôn cá chình, thấy giá cả rất đắt, được ưa chuộng ở những quán nhậu, nhà hàng nhưng nguồn cung cấp lại ít nên anh tìm hiểu nuôi. Nhưng để thành công như hôm nay thì anh phải trải qua rất nhiều lần thất bại, có lúc phải trắng tay. “Vụ đầu tiên tôi nuôi có 100 con nhưng vì không có kinh nghiệm nên gần nửa số đó bị chết do trời mưa làm nước thiếu ôxy”, anh kể. Theo tính toán của anh, vụ năm nay anh xuất khoảng 4 tạ cá, theo giá thị trường thì được 60 triệu, trừ chi phí còn lãi gần 30 triệu đồng.

Kế sát bên nhà anh Nguyễn Ánh là hồ nuôi cá chình của hai vợ chồng trẻ Đoàn Thởi với gần 6 ao nuôi ruộng trên 600m2. Anh cho biết vụ rồi anh bán được gần 150 triệu tiền cá, lãi được gần 50 triệu. Còn đối với gia đình ông Đoàn Cát thì mỗi năm lãi khoảng 10 triệu/hồ, nhà ông có 4 hồ, mỗi năm thu nhập 40 triệu đồng. Ông Cát tâm sự: “Nhờ nó mà tui nuôi được mấy đứa con khôn lớn, đi học đại học đó. Chừ còn một đứa đang học ở Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cũng nhờ vào cá hết”.

6 tỷ

Anh Lê Kim Bích được xem như “ông tổ” của nghề khi là người đầu tiên đưa cá về nuôi và sau đó người dân học theo rồi làm. “Trước đây tui đi buôn cá, thấy nuôi con cá chình có lãi nên hai vợ chồng bàn tính nuôi thử xem sao. Chẳng học hành, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm chỗ nào hết, cứ đọc sách báo xem người ta hướng dẫn mà làm thôi”.

Cá chình vốn là loài cá nhút nhát, hay sống ở vùng thượng nguồn trên các con sông. Việc nuôi cá chình rất khó vì nguồn giống phải lấy từ tự nhiên chứ chưa tự nhân giống. Theo kinh nghiệm của người dân thì hồ nuôi phải xây bằng ximăng, đáy hồ phải bố trí chỗ ẩn nấp. Trong quá trình nuôi chú ý đến mực nước đạt từ 1-2m, nguồn nước không được ô nhiễm. Thức ăn chủ yếu là những loài cá nhỏ tươi sống, cho ăn vào buổi đêm. Hồ từ 70-100m2 nuôi từ 70-100 con. Đặc biệt, người nuôi phải chú ý những lúc trời mưa làm nước loãng ôxy, cần phải xả nước trong hồ và bơm nước mới vào ngay lập tức.

Ông Tô Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ cho biết, đã có rất nhiều đoàn nghiên cứu từ nhiều nơi về tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chình ở đây. Hiện nay, Hội nông dân xã đã cho phép những người nuôi cá chình ở thôn 1 thành lập tổ nuôi cá chình với 27 thành viên, nhằm mục đích hỗ trợ lẫn nhau trong việc nuôi loại cá. Theo ước tính của Hội nông dân xã, doanh thu từ cá chình mỗi năm của thôn 1 trên 6 tỷ đồng.