00:00 Số lượt truy cập: 2669798

Làng "hổ mang" 

Được đăng : 03/11/2016
Nhiều người gọi đùa Vĩnh Sơn - Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc là làng "hổ mang", bởi hiện nay, trong tổng số 1.105 hộ dân ở Vĩnh Sơn, đã có tới 920 hộ nuôi rắn. Tổng số vốn đầu tư cho con rắn ước tính trên 30 tỷ đồng, lợi nhuận thu được hàng năm khoảng 3 tỷ đồng. Những năm qua, người nông dân Vĩnh Sơn đã trải qua bao vất vả, khó khăn, lần tìm hướng đi ngoài cây lúa, để vươn lên làm giàu, bắt đầu từ... con rắn.


"Hổ mang" nuôi sống cả làng

Chúng tôi về Vĩnh Sơn trong mùa thu hoạch lúa, bầu không khí bận rộn đang bao trùm trên khắp các xóm thôn. Từng đoàn xe tải, xe công nông ra vào tấp nập, thế nhưng không hẳn là phục vụ cho việc thu hoạch thóc lúa, mà hầu hết để chuyên chở các loại rắn của Vĩnh Sơn ra ngoài thị trường. Trong câu chuyện thường ngày của những người dân, con rắn là một đề tài quen thuộc, từ chủng loại rắn, đến thức ăn cho rắn khan hiếm, hay giá cả biến động từng ngày của 1 kg rắn thịt trên thị trường. Trên đường làng, từng tốp em nhỏ đi học về, các em cũng đang sôi nổi tranh luận với nhau về… con rắn.

Vào thăm trang trại nuôi hơn 5.000 con rắn các loại của anh Vũ Quang Toàn (40 tuổi) ở xóm Chùa - Vĩnh Sơn. Anh Toàn vui vẻ tâm sự: "Chúng tôi cấy lúa là để giữ ruộng chờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi thôi, chi phí nhiều mà chẳng lời lãi gì. Hầu hết các hộ dân chuyển sang nuôi rắn, bởi con rắn đã nuôi sống cả làng". Theo anh Toàn, để nuôi rắn, một hộ quy mô nhỏ chỉ cần số vốn đầu tư khoảng 15-20 triệu đồng là có thể nuôi được hàng trăm con rắn sinh sản. Mỗi cặp rắn bố mẹ thường sinh nở 25-30 trứng/1 lứa, cho ra đời 15-20 rắn con. Sau khoảng 2 năm chăm sóc, mỗi con rắn sẽ nặng từ 2-3 kg, mỗi kg rắn thịt trên thị trường có mức giá dao động từ 200.000 - 400.000 đồng, trừ chi phí, người dân cũng thu được hàng chục triệu đồng tiền lãi. Mức thu nhập từ con rắn khá cao, khiến nhiều hộ nông dân quay sang đầu tư cho con rắn, nhiều người không còn quan tâm đến cây lúa. "Có thể chúng tôi sẽ không trồng lúa nữa!"- anh Toàn dự định.

Trước kia, nhà anh Toàn có 6 miệng ăn, tất cả trông chờ vào mấy sào ruộng, nhưng vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Từ ngày theo bà con chuyển sang nuôi rắn, vợ chồng anh Toàn dần dần thoát khỏi cảnh nghèo, vươn lên làm giàu, mua sắm được cả ôtô, cùng với một cơ ngơi khang trang gần như nhất xã. Trang trại của anh Toàn nằm trên một khu đất có diện tích gần 2.000m2, được quy hoạch cẩn thận thành các khu chuồng trại, nuôi các loại rắn từ rắn ráo, cạp nong, cạp nia… đến hổ mang phì. Mỗi khu chuồng trại được xây cẩn thận, chia thành các ô nhỏ cho từng con rắn, rào kỹ bằng lưới thép để đảm bảo an toàn, tránh con rắn sổng chuồng và tạo điều kiện môi trường thoáng mát để con rắn có thể sống mà sinh sản được. Anh Toàn cho hay: "Hiện nay, các hộ nuôi rắn ở Vĩnh Sơn tập trung chủ yếu nuôi rắn hổ mang phì, bởi rắn hổ mang phì là loại cổ truyền, dễ nuôi, tỷ lệ sinh sản cao, cho thịt và nọc độc có giá trị, bán được giá trên thị trường". Thức ăn cho rắn chủ yếu là ếch, nhái, chuột đồng… và các hộ nuôi rắn phải thường xuyên đặt mua từ các "mối hàng quen" thì mới đủ cung cấp thức ăn cho rắn.

Trong chuồng rắn hổ mang của anh Toàn, một con "hổ mang phì" 2 năm tuổi được đưa lên, vừa nhìn thấy chúng tôi, con rắn đã phồng mang phun phì phì, sẵn sàng lao vào chiến đấu. Bằng một cái khoa tay điệu nghệ, anh Toàn đã tóm gọn được con rắn, "cô nàng hổ mang" nặng chừng 3kg, có làn da bóng nhẫy đang gồng mình ngoe nguẩy muốn trườn đi, anh Toàn vui vẻ: "Loại này rất khoẻ và cực độc, lứa này hiện giờ nếu không xuất bán thì có thể cho giao phối được rồi, con hổ mang này có giá khoảng 1 triệu đồng". Hiện giờ, anh Toàn phải thuê 6 người làm công để chăm sóc cho 5.000 con rắn, với mức lương hàng tháng trả cho mỗi người trên 600.000 đồng. Anh Toàn tâm sự: "Phần lớn các hộ dân ở Vĩnh Sơn đều trở thành ông chủ, con em đi học dưới Hà Nội gần hết. Các công việc chăm sóc, vận chuyển rắn, hay cấy lúa, gặt lúa … đều thuê người làm công từ làng bên cạnh".

Để cho “hổ mang” bò thẳng

Chuyện vất vả, khó khăn trong việc nuôi rắn không làm các hộ dân bận tâm nhiều, bởi từ khâu làm chuồng trại, lấy giống rắn nuôi, chăm sóc rắn, hay nguy cơ… bị rắn cắn, thì những người nuôi đều có thể xử lý tốt bằng kinh nghiệm gia truyền. Nhưng điều khiến các hộ nuôi rắn quan tâm nhất là thị trường, đầu ra cho con rắn. Anh Toàn bức xúc: "Giá cả thất thường, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mỗi thời điểm có mức giá khác nhau, nhiều khi phía Trung Quốc gây khó dễ, ép giá khiến cho số lượng lớn rắn bị tồn đọng, chi phí nằm chờ tăng cao, khiến chúng tôi chịu nhiều thiệt thòi".

Muốn sang được thị trường Trung Quốc, con rắn Vĩnh Sơn phải bò rất loằng ngoằng. Đầu tiên, con rắn được bán từ các hộ nuôi cho các đầu nậu ở Móng Cái (Quảng Ninh) đi bằng đường biển, hay qua Lạng Sơn bằng đường bộ. Các đầu nậu gom hàng, bán lại cho các đầu nậu lớn hơn có mối hàng ở phía bên kia, từ đó con rắn Vĩnh Sơn mới có thể bò sang được thị trường Trung Quốc. Còn về các thủ tục pháp lý, con rắn Vĩnh Sơn đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép xác nhận là rắn nuôi, có nguồn gốc rõ ràng nên người dân không bị tịch thu một cách vô lý như trước đây. Tuy nhiên, thị trường trong nước không mấy mặn mà với con rắn Vĩnh Sơn, bởi vì giá cả con rắn khá cao, thuộc vào hàng đặc sản. Còn để ra được các thị trường khác, anh Toàn lắc đầu: "Nghĩ thì cũng có, song chúng tôi không làm được, bởi ra được thị trường châu Âu, châu Mỹ…, con rắn Vĩnh Sơn phải được "khai lý lịch", phải được "cấp visa", phải được chứng nhận theo quy ước quốc tế là rắn nuôi chứ không phải là rắn hoang dã. Mà các hộ dân ở đây thì chưa đủ sức làm, đành chịu!"

Ông Nguyễn Văn Quyết - Chủ tịch xã Vĩnh Sơn, hồ hởi nói chuyện với chúng tôi: "Con rắn đã thúc đẩy phát triển kinh tế của các hộ dân, nhưng bên cạnh đó, nhiều mâu thuẫn xã hội nảy sinh. Các hộ dân chuyển sang làm trang trại rắn nhiều, nên diện tích cây lúa bị thu hẹp. Xã đang xúc tiến lập kế hoạch lâu dài cho việc xuất khẩu con rắn ra thị trường, cũng như ổn định cơ cấu cây trồng vật nuôi trên toàn xã. Phải hướng dẫn việc thực hiện nuôi rắn, cũng như đầu tư trang thiết bị ban đầu đúng quy trình nuôi rắn quốc tế cho các hộ dân. Hướng đi cụ thể là thu hút sự đầu tư của các đơn vị có chức năng xuất khẩu, trực tiếp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo thị trường và giá cả hợp lý, để các hộ nuôi rắn yên tâm về đầu ra. Lúc đó, con rắn Vĩnh Sơn chắc sẽ không phải bò loằng ngoằng, mà có thể bò thẳng ra thị trường /pnước ngoài."