00:00 Số lượt truy cập: 3040393

Làng nai phố núi 

Được đăng : 03/11/2016
Ở xã Cư Êbuôr, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có nghề nuôi nai lấy nhung độc đáo đã phát triển hơn 40 năm nay.

Đi dọc những con đường bê tông thẳng tắp, hai bên đường phơi đầy cà phê quả tươi ở các thôn 2 và 3 của xã Cư Êbuôr, khách lạ khó nhận biết nơi đây còn nổi tiếng với nghề nuôi nai. Những ngôi nhà xây cách xa đường, chuồng nai lại nằm phía sau nhà nên người đi đường khó mà nhìn thấy nai. Ông Hoàng Xuân Di, ở thôn 3, bảo: “Nai là giống vật nhút nhát, khó thuần dưỡng, không thể chịu được cảnh sống gần đường giao thông xe cộ qua lại ngày đêm ầm ĩ”. Ông Di bắt đầu nuôi nai từ năm 1987, với một con nai đực còn nhỏ nhưng sau đó lừng danh khi cho cặp nhung nặng kỷ lục, tới 6,1 kg vào năm 1998. Cho đến giờ, kỷ lục này chưa bị phá vỡ. Ông Di kể: “Hiếm có một con nai cho một lần nhung tới 5 kg, nên con nai của gia đình tôi cho hơn 6 kg nhung trở thành hiện tượng lạ. Thời điểm đó, nhiều ngày liền, bà con các thôn ùn ùn tới nhà xem con nai và trầm trồ khen cặp nhung đồ sộ”. Con nai “vô địch” của gia đình ông Di đã hơn 20 năm tuổi, hiện nay mỗi lần cho nhung chỉ còn khoảng 3,5 kg nhưng vẫn được xem là con nai đực giống tốt nhất trong vùng. Nhiều người nuôi nai cái sinh sản chỉ muốn lấy giống từ con nai này.

Ông Quách Minh Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Êbuôr, cho biết: người nuôi nai đầu tiên ở vùng này là ông Nguyễn Tân vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Từ hai con nai con mua lại của bà con dân tộc thiểu số săn bắt trong rừng đem về, ông Tân gầy dựng thành đàn nai gần chục con. Đến nay, toàn xã có gần 300 hộ nuôi nhốt trong vườn nhà tổng cộng 1.080 con nai, tập trung nhiều nhất ở hai thôn 2 và 3. Số nai này đã được đăng ký với cơ quan kiểm lâm vì nai vẫn được xem là động vật hoang dã dù được người dân nuôi dưỡng hàng chục năm nay.

Mỗi năm bình quân một con nai cho 1-2 lần nhung, trọng lượng từ 3-5 kg, có con cho 3 lượt đến 10 kg nhung. Ông Hoàng Vũ Trúc, trưởng chi hội nông dân thôn 3, cho biết: “Giá nhung hiện nay chưa tới 3 triệu đồng/kg với nhung 70 ngày tuổi, còn nhung non khoảng 40 ngày tuổi thường có giá cao hơn, có thể tới 4 triệu đồng/kg”. Như vậy, một con nai nuôi mỗi năm cho trên 10 triệu đồng tiền bán nhung. Ông Trúc cho biết, gần 20 người nuôi trên dưới 10 con nai đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ước tính cả vùng Cư Êbuôr nguồn thu từ nai mỗi năm xấp xỉ 10 tỉ đồng, bên cạnh nguồn lợi chính là cà phê.

Cặp nhung vừa cắt từ con nai “vô địch” của hộ ông Di - Ảnh: T.N.Q

Theo những hộ nuôi nhiều nai thì đây là nghề đơn giản, ít tốn kém, bởi thức ăn như cỏ có sẵn ở vườn rẫy. Nai đặc biệt thích các loại lá cây có mủ như vả, sung, mít, chuối... Trong giai đoạn dưỡng nhung, nai cần ăn thêm các loại ngũ cốc, chuối trái... Tuy vậy, nai có vẻ thuộc hàng “quý tộc” trong số các vật nuôi, bởi con giống khá đắt, trên 10 triệu đồng cho mỗi con từ 3 đến 6 tháng tuổi, nai lớn hơn một năm có thể tới 20 triệu đồng.

Giá giống đắt nên theo ông Trúc, nhiều người ngại nuôi bởi nếu ít kinh nghiệm thì dễ mất vốn như chơi vì nai bị bệnh rất dễ chết. Tại Cư Êbuôr thì nuôi nai đã tạo ra nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân. Sáng nào, những nông dân ở đây cũng tập trung luân phiên tại một gia đình nào đó để uống chè xanh, trao đổi chuyện làm ăn, thời vụ. Ở đó, kinh nghiệm chăm sóc nai, chữa trị khi nai ốm cũng được chia sẻ, hướng dẫn cho nhau tận tình, nhờ đó lâu nay đàn nai trong xã hiếm khi gặp dịch bệnh. Hộ nào đến ngày cắt nhung cũng là dịp vui của làng. Nhiều thanh niên trai tráng phụ trói nai để cưa nhung, sau đó hoan hỉ với món rượu bổ pha huyết ứ từ gốc nhung. Gặp khi có nhung chóc (nhung bói, mọc lần đầu), theo tục lệ nơi đây, chủ nhà không bán mà đem nấu cháo thết đãi cả xóm, được xem là món “đại bổ”.