00:00 Số lượt truy cập: 3042150

Làng nghề phát triển - môi trường ô nhiễm 

Được đăng : 03/11/2016


 

Đổi thay nhờ sắn

Nằm cách Trung tâm Hà Nội hơn 70km, Minh Hồng là một làng nằm trên vùng cao của núi Ba Vì. Phải mất hơn 2 giờ chúng tôi mới tới được làng Minh Hồng, con đường dẫn vào làng ngoằn ngoèo, với những con dốc xoáy quanh núi cao như dựng đứng, hai bên đường toàn một màu xanh của sắn và dong riềng. Cái nắng gay gắt cộng thêm mùi khó chịu bốc lên từ những kênh mương, khiến ai qua đây cũng phải lo ngại. Người dân ở làng Minh Hồng sống chủ yếu bằng nghề chế biến tinh bột sắn và dong riềng.

Nghề chế biến tinh bột ở Minh Hồng có từ năm 1971, do một người thợ của làng nghề Sấu Giá (Hoài Đức) về dạy nghề cho các hộ xã viên. Sau khi chế biến thành tinh bột sẽ được bán cho các làng nghề làm miến ở Hoài Đức. Đến năm 2001, Minh Hồng được công nhận là làng nghề, người dân trong làng đã không ngừng đưa các thiết bị máy móc tiên tiến vào sản xuất như máy nghiền, máy xay vỏ.

Hiện nay, cả làng có 235 hộ với 1.245 nhân khẩu thì có tới 203 hộ làm nghề chế biến tinh bột sắn và dong riềng. Gia đình chị Lương Thị Mận đã có thâm niên gần 30 năm làm nghề này cho biết: “Trung bình mỗi ngày, gia đình chị chế biến được 2 - 3 tấn nguyên liệu, thu được 1,2 - 1,5 tấn tinh bột”.

Cũng nhờ có nghề chế biến tinh bột sắn và dong riềng, nhiều gia đình trong làng đã xây được nhà cao tầng, mua được xe máy. Nhiều hộ còn phải thuê thêm nhân công làm mới đủ đáp ứng nhu cầu làm miến của các làng nghề vùng xuôi.

... Nhưng ô nhiễm môi trường

Ông Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch xã Minh Quang cho biết: “Các kênh mương trong làng đang trong tình trạng quá tải bởi nước thải chế biến tinh bột. Để chế biến được 1 tấn nguyên liệu sắn hoặc dong riềng, thì phải mất 2m3 nước cho quá trình lọc tinh bột (nếu cả nước rửa nguyên liệu có thể lên tới 3 - 4m3).

Vào những tháng cao điểm trung bình mỗi hộ chế biến khoảng 4 tấn nguyên liệu/ngày thì cả làng sẽ thải ra khoảng trên 250m3 nước thải ra môi trường”.

Trước thực trạng trên, nhân dân trong làng đã cố gắng cải tạo hệ thống thoát nước nhưng là một làng nằm giữa đỉnh núi Ba Vì, nên việc cải tạo gặp rất nhiều khó khăn. Dòng suối Víp là nơi mà nước thải trong làng xả ra, do xả nguồn nước bẩn này ra sông Đà nên con sông này cũng chịu chung cảnh ô nhiễm.

Vào vụ chế biến chính thì những con mương có màu đen kịt. Việc nước thải tồn đọng lâu ngày đã ảnh hưởng rất lớn tới nguồn nước ngầm. Toàn bộ các hộ trong làng đều sử dụng nguồn nước giếng khơi, có những giếng đào sâu tới 20m nhưng vẫn có mùi khó chịu. Anh Chu Đức Hà chỉ cho chúng tôi vị trí 2 cái giếng đã đào nhưng không sử dụng được anh nói: “Nếu tắm nguồn nước này thì chỉ một lúc sẽ bị dị ứng mẩn đỏ khắp người, nhiều khi xin được ít nước về chúng tôi phải “nhịn tắm” để lấy nước ăn. Trong làng có đến hơn chục hộ gia đình do bị nước thải ngấm xuống giếng đen ngòm, có mùi khó chịu không thể sử dụng được nên đành phải đi xin nước về để dùng hàng ngày”.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường ở Minh Hồng ngày càng nghiêm trọng, UBND xã Minh Quang cùng với Trung tâm Nước sinh hoạt - Vệ sinh môi trường nông thôn và Trung tâm Tư vấn khoa học - công nghệ và môi trường Hà Tây (cũ) đã tiến hành khảo sát thiết kế, báo cáo dự án xây dựng hệ thống hầm Bioga xử lý nước thải chế biến nông sản của làng nghề Minh Hồng. Theo như dự án báo cáo sẽ xây dựng 203 hầm Bioga tại các hộ gia đình với công suất - 3m3/ngày/hộ. Nhưng khi thực hiện vấn đề khó khăn gặp phải là thiếu vốn.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch xã Minh Quang cho biết: “Để xây dựng một hầm Bioga 10m3 thì phải chi phí là 15 triệu đồng, mà theo như dự án sẽ xây dựng 203 hầm Bioga thì số tiền chi phí là quá lớn”. Chính vì vậy dự án này đã không được triển khai và đến nay cũng không còn tính khả thi.

Hiện nay không chỉ riêng làng Minh Hồng làm nghề chế biến tinh bột sắn, dong riềng mà nghề này đã phát triển sang các làng lân cận trong xã. Bên cạnh nghề chế biến tinh bột sắn, dong riềng, người dân trong làng còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn nên lượng nước thải ra ngày càng tăng.

Thực trạng ô nhiễm môi trường làng nghề Minh Hồng đang ở mức báo động nghiêm trọng. Ông Lương Văn Lân, một cựu chiến binh mong muốn: “Tôi mong rằng các ngành chức năng của thành phố sớm có biện pháp khắc phục, để người dân không còn phải sống chung với cảnh ô nhiễm”.