00:00 Số lượt truy cập: 2668663

Lào Cai: Huyện Mường Khương tạo đàn lợn nội, phát triển chăn nuôi hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016
Từ lâu, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) đã là địa phương sở hữu một trong ba giống lợn quý ở phía Bắc. Nhưng, do một thời gian dài chịu ảnh hưởng tác động "hướng ngoại", một số hộ chăn nuôi đã nhập lợn lai màu trắng có nguồn gốc từ nơi khác về nuôi.





Giống lợn ngoại này dáng to đẹp, nhưng để đảm bảo lợn tăng trọng và chống chịu bệnh thì chi phí nuôi loại lợn này khá tốn kém, không thích hợp với khả năng của người chăn nuôi vùng cao; trong khi giống lợn đen địa phương với khả năng thích nghi nổi trội, nếu được đầu tư chăn nuôi tương tự thì cũng lớn nhanh và phát triển đàn không kém gì lợn ngoại mà chất lượng thịt lại thơm ngon.



Chính vì vậy, những năm gần đây huyện Mường Khương đã có sự quan tâm đưa giống lợn đen trở lại vi trí quan trọng trong chương trình phát triển chăn nuôi của mình với dự án phục tráng và phát triển đàn lợn giống tốt địa phương đang được thực hiện và không lâu nữa, giống lợn đen Mường Khương sẽ có mặt lưu thông trên thị trường.


Giống lợn đen Mường Khương là giống lợn quý hiếm với ưu điểm thích ứng tốt trong điều kiện tự nhiên đồng thời sinh trưởng phát triển nhanh, thịt thơm ngon, tăng đàn, tăng trọng, hơn hẳn giống lợn các địa phương khác, rất phù hợp với thị hiếu người chăn nuôi và tiêu dùng. Tại vùng cao ít có giống lợn nào khác có thể thay thế được giống lợn Mường Khương, tuy nhiên do tập quán chăn nuôi của nhân dân các địa phương còn hạn chế, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi giữ giống lợn Mường Khương, do đó nguồn giống lợn bản địa này không đủ cung ứng giống cho các địa phương phát triển chăn nuôi.


Để giữ vững, phát triển giống lợn quý hiếm Mường Khương, Viện Chăn nuôi Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và huyện Mường Khương đã phối hợp tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu chọn lọc nâng cao chất lượng phục tráng và phát triển giống lợn Mường Khương. Đề tài được áp dụng thực hiện tại hai xã Nấm Lư và Bản Sen (nơi có số đông đồng bào dân tộc sinh sống và cũng là những địa phương có phong trào chăn nuôi phát triển). Tại hai xã này có 110 hộ tham gia chăn nuôi 180 con lợn nái Mường Khương và một số lợn đực , giống ngoại, giống nội. Qua các bước thực hiện cho thấy, quá trình phục tráng giống lợn Mường Khương đạt kết quả như: ưu điểm của chúng là phù hợp với điều kiện chăn nuôi nghèo dinh dưỡng của đồng bào vùng cao, mắn đẻ, chất lượng thịt thơm ngon và bán được giá cao hơn so với loại lợn lai, do đó người chăn nuôi có lãi cao hơn. Hiện nay, đàn lợn giống Mường Khương phát triển rất nhanh đã chiếm 80% tổng đàn lợn của toàn huyện.


Để đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó phát triển nuôi lợn thịt thương phẩm hàng hoá, do đó huyện Mường Khương đã phát triển mạnh đàn lợn giống Mường Khương, nhằm tạo ra nguồn hàng hóa chất lượng tốt, có đầu ra thuận lợi. Những con lợn nái Mường Khương sẽ được phối giống với lợn đực ngoại, như vậy tạo ra lợn con F1. Với phương pháp này, chẳng bao lâu nữa, giống lợn tốt Mường Khương sẽ chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh.