00:00 Số lượt truy cập: 3041306

Lào Cai: Kinh tế trang trại cần được tiếp sức 

Được đăng : 03/11/2016

Tại Lào Cai, sự hình thành và phát triển kinh tế trang trại góp phần khai thác nguồn vốn trong nhân dân, mở rộng diện tích sản xuất, làm dịch vụ, cung ứng giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm trong vùng.


Kinh tế trang trại còn là nơi tạo việc làm, thu hút nguồn lao động khu vực nông thôn, đẩy nhanh xoá đói giảm nghèo, góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.

Bước đầu kinh tế trang trại còn góp phần hình thành nên các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chất lượng các trang trại còn khá nhiều bất cập, chưa phát triển tương xứng với các tiềm năng sẵn có.

Chủ yếu là kinh doanh

Một thống kê của ngành nông nghiệp mới đây cho thấy, có 377 trang trại trên địa bàn thì tới 186 trang trại theo mô hình kinh doanh tổng hợp (chiếm 49%). Lào Cai có thế mạnh về phát triển kinh tế tổng hợp VARC và nổi bật với thế mạnh phát triển vườn, rừng. Nhưng mô hình trang trại có liên quan đến lâm nghiệp chỉ chiếm 34%. Số còn lại là các trang trại chăn nuôi, thuỷ sản, trồng trọt với số lượng hạn chế từ 3 đến 30 trang trại. Do nguyên nhân đầu tư kinh tế lâm nghiệp rất chậm thu hồi, các mô hình sản xuất khác như trồng trọt, chăn nuôi dễ xảy ra rủi ro; thương mại, dịch vụ có sự an toàn nhất định và nhanh thu hồi vốn nên hấp dẫn các chủ trang trại đi theo con đường này.

Cũng theo thống kê, tổng doanh thu từ các loại hình trang trại lại có kết quả khác nhau: doanh thu từ lâm nghiệp cao nhất (chiếm 42%), trong khi suất đầu tư thấp nhất, doanh thu từ thương mại, dịch vụ chỉ chiếm 20%.

Quy mô khiêm tốn

Tổng diện tích sản xuất của các trang trại là gần 3 ngàn ha, trung bình mỗi trang trại sử dụng 6,7 ha. Tuy nhiên, vốn đầu tư trung bình cho mỗi trang trại lại chỉ khoảng 81 triệu đồng/trang trại; trong khi số lao động bình quân mà các trang trại sử dụng cũng khá khiêm tốn (5,7 lao động/trang trại). Với các tiêu chí này, Lào Cai trở thành một trong những tỉnh có quy mô trang trại nhỏ nhất. Trên thực tế, các trang trại tại Lào Cai mới sử dụng những tư liệu sẵn có để tổ chức sản xuất kinh doanh.

Theo ông Doãn Văn Hoàn, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thì đơn vị đã tạo điều kiện tốt nhất cho các trang trại vay vốn sản xuất, song trong số gần 200 trang trại vay vốn tại ngân hàng này mới có dư nợ khoảng 7 tỷ đồng. Vốn vay phát triển trang trại chỉ chiếm dưới 5% tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trang trại mạnh dạn vay vốn lớn nhất là anh Nguyễn Hồng Thanh, chủ trang trại nuôi bò và phát triển kinh tế tổng hợp tại xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) có thời điểm dư nợ nhiều nhất trên 100 triệu đồng, số còn lại hầu hết chỉ trong mức 10 - 40 triệu đồng.

Hình thức hoạt động của các trang trại còn thiếu chặt chẽ, chưa có những định hướng lớn và lâu dài. Có kinh nghiệm trong sản xuất nhưng các chủ trang trại còn thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực quản lý sản xuất, nắm bắt thị trường. Một số chủ trang trại còn chưa khai thác hết tiềm năng của tư liệu sản xuất, chưa chọn được cây - con phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để đem lại hiệu quả kinh tế lớn nhất.

Mở hướng đi

Thực tế cho thấy, sản phẩm của các trang trại hiện vẫn đưa ra thị trường ở dạng thô nên dễ bị tư thương ép giá, thị trường thiếu ổn định gây thiệt thòi cho người sản xuất. Giải pháp của ngành nông nghiệp đưa ra là có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các trang trại. Ổn định đầu ra bằng các chương trình xúc tiến tìm kiếm và giới thiệu thị trường trong và ngoài nước, tạo sức cạnh tranh nhằm hạn chế tình trạng ép giá.

Đối với các chủ trang trại là việc chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất gắn với chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Linh hoạt trong việc lựa chọn hướng sản xuất, tìm cây - con phù hợp với thị trường hiện tại và trong tương lai.

Các trang trại hiện vẫn chủ yếu lệ thuộc vào vốn tự có, vốn vay chỉ chiếm 21% tỷ suất đầu tư vào kinh tế trang trại. Về phía Nhà nước và các tổ chức tín dụng, cần có chính sách ưu tiên vốn, ưu đãi thuế đối với từng vùng, địa phương khác nhau và trong từng thời kỳ nhất định để tạo điều kiện cho các trang trại phát triển đúng với tiềm năng. 
Bên cạnh đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp tích cực như tăng cường đào tạo, bỗi dưỡng kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý cho các chủ trang trại và người lao động, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các trang trại. Thực tế hiện nay, các chủ trang trại đang "đói" kiến thức và kỹ năng tổ chức sản xuất, cách tiếp cận thị trường, tiếp cận kỹ thuật mới. Quy hoạch sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là khu vực nông thôn, vùng cao cũng ảnh hưởng khá lớn đến tình hình phát triển kinh tế trang trại. Người dân cần khắc phục được những trở ngại về điều kiện tự nhiên, tạo điều kiện cho sản phẩm của các trang trại dễ dàng tiếp cận thị trường.

Những vấn đề trên sớm được giải quyết sẽ giúp người tham gia sản xuất trang trại phát huy được thế mạnh, tiềm năng sẵn có.