00:00 Số lượt truy cập: 3042344

Lão nông Phan Ngọc Tấn và hành trình trở thành tỷ phú 

Được đăng : 03/11/2016

Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân phường Trần Hưng Đạo, chúng tôi tìm đến nhà ông Phan Ngọc Tấn - một nông dân sản xuất giỏi đã trở thành tỷ phú từ 2 bàn tay trắng.


Nhìn căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi được xây dựng theo kiểu biệt thự Thái Lan, thật lòng khó ai nghĩ đây là nhà của một lão nông dân chính hiệu. Tiếp chuyện với chúng tôi rất chân tình và cởi mở, lão nông Phan Ngọc Tấn kể lại quá trình lập nghiệp của mình. Năm 1979, ông lập gia đình, 2 vợ chồng không vốn liếng, không có lấy được một tấc đất để cắm dùi. Sau một thời gian cố gắng làm ăn vợ chồng ông Tấn dành dụm mua được một con bò. Lúc này đất đai còn rẻ nên ông đem con bò để đổi lấy 1,2 ha đất để canh tác làm ăn, chủ động trong việc sản xuất. Có đất, 2 vợ chồng chí thú làm ăn trồng đủ loại cây trồng nhưng cuộc sống gia đình vẫn không mấy khấm khá. Trồng cà phê thì bị mất mùa, gió bão làm rụng trái, ngã đổ; trồng mía thì mía rớt giá vì nhà máy không thu mua... Khó khăn chồng chất nhưng ông không nản lòng mà càng cố gắng làm ăn để trang trải và vực dậy cuộc sống. Mặc dù ở thời điểm này mía bị rớt giá nhưng sau khi nghiên cứu thị trường qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông Tấn vẫn xác định chỉ có cây mía mới có thể giúp xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Ông Tấn cho rằng cây sắn dễ trồng nhưng không giúp thoát nghèo được vì đất sẽ nhanh bạc màu nên không thể duy trì lâu. Còn cây mía thì ngược lại, chỉ cần trồng 1 lần mà lại được thu hoạch trong 4 - 5 năm liên tục, không những thế sau khi thu hoạch xong dùng lá, gốc mía đem đốt lấy tro làm phân cho đất và cứ thế tiếp tục canh tác mà không sợ đất bị bạc màu. Tuy nhiên do mía liên tục rớt giá nên nhiều bà con đã bỏ hoang ruộng đất, mặc dù lúc này Nhà máy đường Kon Tum hỗ trợ cung cấp miễn phí 100% tiền giống cho bà con. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tính toán, năm 2002, ông Tấn đã quyết định thuê 21 ha đất để trồng mía đã khiến cho không ít người hồ nghi, ái ngại. Sau một năm miệt mài tập trung chăm sóc cho cây mía, không ngờ năm đó gia đình ông Tấn “trúng lớn” cả về sản lượng lẫn giá cả. Với 21 ha mía sau khi trừ tất cả mọi chi phí đã cho lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, cộng thêm hỗ trợ 100 triệu đồng tiền giống của nhà máy, năm 2003, ông Tấn đã xây được căn nhà khang trang với giá trị gần 400 triệu đồng trước sự sững sờ, thán phục của nhiều người xung quanh.

Mấy năm gần đây khi Nhà máy đường Kon Tum đi vào hoạt động ổn định thì thu nhập từ 21 ha mía của của gia đình ông Tấn cũng ổn định theo. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm 21 ha mía cũng cho gia đình ông lợi nhuận khoảng 320 triệu đồng. Ngoài ra, với 1,2 ha đất trong vườn nhà, ông Tấn trồng các loại hoa màu và đào ao nuôi cá mỗi năm cũng cho lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng, cộng thêm lợi nhuận từ chiếc máy cày mang lại thì mỗi năm gia đình ông có thu nhập ổn định gần 400 triệu đồng. Hiện gia đình ông Tấn còn làm thêm 1 ha lúa ruộng 2 vụ để lấy gạo nuôi cho 20 người thường xuyên phụ giúp gia đình.

o không có người quản lý nên năm 2008 ông Tấn đành phải bán 3 ha cây cao su 3 năm tuổi của mình với giá 1 tỷ đồng mua xe ô tô 8 chỗ ngồi để làm dịch vụ cưới, hỏi; số tiền còn lại gửi vào ngân hàng. Với mô hình trang trại đó, tại gia đình ông đang thực hiện mô hình dịch vụ câu cá thư giãn tại vườn nhà để đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân. Hiện gia đình ông Tấn đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 công nhân với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Sau nhiều năm bươn chải, gầy dựng, đến nay ông Tấn đã tìm được hướng đi đúng. Ý tưởng của ông Tấn dường như vẫn chưa dừng lại ở đó. Khát vọng làm giàu của một lão nông chính hiệu vẫn đang cháy bỏng với những kế hoạch, dự định lâu dài.