Ông Võ Viết Phương trong vườn rau sạch của gia đình
“Người điên”
Ông Võ Viết Phương cho biết: Năm 2013, sau khi thanh lý rồi trồng lại 6 ha cao su, ông trồng xen hoa màu trong vườn. Thời điểm bắt đầu trồng vào mùa khô nên nhiều người cho rằng ông bị “điên” khi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư thiết bị cho vườn hoa màu đó. Để có bước đi chắc chắn, ông không chỉ học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi mà còn lên mạng tìm hiểu thêm trước khi trồng giống cây gì cũng đều phải thử nghiệm, khi thấy hiệu quả mới nhân rộng ra khắp vườn.
Với 6 ha trồng hoa màu, thông thường cần rất nhiều nhân công, nhưng nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên ông chỉ cần 10 lao động thường xuyên. Ứng dụng hữu ích nhất chính là chiếc máy cày xới cho tơi đất. Một ngày xới được 1,2 ha, chỉ tốn 4 lít xăng, năng suất làm tương đương 11 ngày công làm bằng sức người. Trước đó, lên mạng tìm hiểu thấy ở tỉnh Ninh Thuận có bán máy xới đất trồng thanh long, ông liên lạc và đặt hàng, có hàng chảo khác để trồng hoa màu. Kết quả sau 2 lần thử nghiệm, sửa đổi thiết kế, máy cày xới mới được hoàn thiện và khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả cao.
Hệ thống tưới nước tự động, chỉ cần 2 người vận hành. Khác với nhiều nơi hệ thống tưới nước chạy ngầm dưới đất, còn hệ thống giàn béc nước của ông được lắp đặt ở trên cao. Ông Phương lý giải, làm như vậy không chỉ vườn được cung cấp đủ nước mà còn được tưới như trời mưa. Hơn nữa, khi tưới vào buổi sáng sẽ có tác dụng rửa sương, giúp cây phát triển tốt hơn. Không chỉ vậy, nước tưới không bơm trực tiếp từ các giếng mà được lấy từ hồ chứa đã được lọc bớt phèn.
Ông theo sát giá cả thị trường để lựa chọn loại rau màu trồng hiệu quả nhất. Vườn của ông luôn xanh tốt, cho năng suất, chất lượng cao bởi kỹ thuật chăm sóc đúng. Ngoài ra, ông còn thường xuyên quan sát cây, như dưa leo khi lên 2 lá phải phun thuốc để chống chết yểu, nếu phát hiện bệnh đốm lá, cháy lá, nứt thân, thui đọt thì phải có cách chữa trị ngay. Khi trồng dưa leo, khổ qua, khoảng cách hàng là 1,2m, cây cách cây 60 - 80cm tùy vị trí ở ngoài hay trong để đảm bảo đón được nhiều ánh nắng. Mua phân trại gà về không làm ngay mà ủ một thời gian...
Và nông dân trong nền kinh tế tri thức
Ông Phương chia sẻ: “Làm nông phải bạo gan mới giàu”. Vườn hoa màu của ông luôn thay đổi cây trồng, lúc thì dưa leo, khổ qua lúc lại trồng bí... Năm đầu tiên ông trồng 6 vụ, hiện chỉ trồng 4 vụ để dưỡng đất. Cho dù thời tiết nóng nực, khô hạn, nhưng vườn hoa màu của ông luôn ẩm ướt, xanh tốt. Vào mùa, mỗi ngày vườn hoa màu cho thu 10 - 15 tấn. Đầu ra sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở chợ đầu mối Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), sau khi trừ chi phí, ông thu lợi từ 60 - 70 triệu đồng/ha/đợt. Đầu tư vốn ban đầu khá lớn nhưng đến nay ông đã thu hồi vốn. Vườn cao su của ông cũng nhờ đó không phải làm cỏ, mà vẫn hưởng phân bón, nước tưới trong mùa khô nên xanh tốt và sinh trưởng nhanh.
Theo ông Phương, “khoa học chỉ là một phần, phần còn lại phải tìm tòi, trải nghiệm thì mới thành công”. Ông cho biết hiện gia đình còn nhận cung cấp giống, phân bón, chăm sóc kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho một số người dân với tổng diện tích 20 ha. Thời gian tới, ông thuê thêm 5 ha đất để mở rộng diện tích trồng rau.
Với cách làm táo bạo, quyết đoán, vườn hoa màu của ông Phương không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn mở ra hướng đầu tư xanh, sạch, đặc biệt là với diện tích đất nhỏ. Từ vườn rau của ông Phương cũng cho thấy, trong nền kinh tế hiện đại, người nông dân cần thức thời và phải đem được tri thức vào vườn của mình thì mới thành công.
Nhật Hạ