Chúng tôi đến thăm vườn xoài ông Việt vào một ngày tháng 6. Đối với cây xoài ở Quảng Ngãi, đây là thời điểm cuối vụ thu hoạch, thế nhưng vườn xoài của ông vẫn lúc lỉu trái. Cũng như nhiều loại cây trồng khác, xoài có mặt ở đất Bình Tân từ rất lâu, nhưng giống xoài truyền thống của địa phương thường ít quả, trái nhỏ, hạt to... Bên cạnh đó, đất nơi đây bạc màu, nghèo chất dinh dưỡng nên xoài chỉ được xem là loại cây trồng “cho vui”, hoặc nếu có cũng chỉ kiếm thêm “vài đồng mua mắm”. Tuy nhiên, ông Việt nghĩ khác. Cách đây hơn 15 năm, khi nghe lãnh đạo tỉnh khuyến khích người dân trồng xoài cát Hoà Lộc, một giống xoài trái ngon, sai trái, ông Việt xung phong trồng và được cấp khoảng 400 cây giống. ông bỏ tiền mua thêm 200 cây về trồng trên diện tích khoảng 3ha. Mặc dù dày công chăm sóc nhưng phải mất gần 7 năm sau ông Việt mới cay đắng nhận ra rằng 99,5% giống xoài được cấp chỉ là giống tạp, trái chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn xoài cát Hoà Lộc chỉ có 3 cây. Tiếc công nhưng ông đành chặt bỏ gần hết số xoài tạp. Sau đó, ông cất công vào tận Khánh Hoà tìm hiểu và mua giống về trồng. Trời không phụ lòng người, nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật đúng cách, sau hơn 3 năm trồng, tất cả số xoài giống đem về đã cho những lứa trái đầu tiên. Trong khu vườn rộng gần 4 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2), 30 cây xoài gồm các giống: Tứ quý Thái Lan, Ấn Độ, cát Hòa Lộc và xoài Đài Loan xen lẫn mía, ổi không hạt...cây nào cũng oằn trái, với trọng lượng bình quân 0,8-1,5kg/trái. Riêng cây xoài Phú Quốc vụ mùa năm nay, sản lượng lên đến 1,5 tấn, gấp 3-5 lần so với cây xoài cùng loại được trồng ở Quảng Ngãi, trọng lượng bình quân 0,3-0,5kg/trái, cá biệt có trái nặng gần 1kg. Mặc dù được người dân trong vùng gọi là “Việt xoài”, nhưng khi được hỏi về kinh nghiệm, ông khiêm tốn: “Nhờ mát tay” và làm siêng nên xoài mới ra nhiều trái như vậy”. Theo ông Việt thì so với nhiều loại cây khác, trồng xoài không khó, chẳng qua nhiều người cứ trồng xong rồi “giao cho đất”, chờ đến khi ra trái và thu hoạch nên hiệu quả không cao. Mặt khác một số người chưa có sự nhìn nhận đúng về hiệu quả kinh tế của cây xoài, cho nên chưa có sự đầu tư về kỹ thuật, phân, thuốc; chọn giống không đảm bảo... dẫn đến chất lượng quả thấp, trái ít. ông Việt tâm sự: “Đối với cây xoài, giai đoạn ra hoa, thụ phấn rất quan trọng vì nó sẽ quyết định đến sản lượng trái đậu nhiều hay ít. Đặc biệt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như miền Trung thì việc theo dõi cần kỹ hơn để từ đó có giải pháp ngăn chặn, bảo vệ và xử lý kịp thời khi hoa bị sự cố”. Tuy chưa thể cho cây ra trái nghịch vụ như các tỉnh thành phía Nam, vì điều kiện nắng, mưa bất thường nhưng xoài đã mang lại cho ông Việt nguồn thu đáng kể. ông cho biết, nếu xoài vừa ra hoa mà gặp phải thời tiết bất lợi, ảnh hưởng đến việc thụ phấn, người trồng hoàn toàn có thể sử dụng các loại thuốc kích thích kéo dài thời gian ra hoa của xoài. Chúng tôi ra về khi trời đã bắt đầu ngả bóng, đi ra vườn xoài trĩu nặng, chúng tôi cũng nhớ tới lời nhắn gửi chân tình của lão nông 50 tuổi: “Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giống cây trồng...cho tất cả những ai quan tâm đến xoài”. |