Xuất thân trong một gia đình trung nông, năm 20 tuổi, cụ Tư Ấn lập gia đình, sinh sống bằng nghề nấu đường mía rồi chuyển sang canh tác 5 công đất rẫy (1 công = 1.000m2) nằm cặp bờ sông Hậu. Tận dụng lợi thế bãi bồi ven sông, năm 1997, cụ trồng các loại cây màu ngắn ngày như khoai cao, bắp... để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng do thị trường bấp bênh nên việc trồng rau màu bị thất thu, gia đình vẫn không thoát khỏi cảnh thiếu trước hụt sau. Không nản lòng, cụ Tư cùng con cháu đào rãnh, lên liếp đắp mô lập vườn. Sau đó, cụ xuống Vĩnh Long mua hơn 600 gốc cam sành về trồng. Tuy nhiên, do chưa nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc nên vườn cam chỉ cho hơn 3 tấn trái. Cụ quyết tâm đi học hỏi kinh nghiệm của những nông dân trồng cam trong và ngoài tỉnh. “Có lần xem Đài Truyền hình Vĩnh Long, thấy dân làm vườn ở đó trồng cam sành hốt bạc nên tôi bắt xe ôm tới tận nơi xem cách trồng để về áp dụng vào vườn cam của mình...”, cụ Tư kể. Nhờ kiên trì học hỏi nên năng suất vườn cam của cụ Tư tăng dần, đạt 10- 15 tấn/năm, với giá bình quân 15.000 đồng/kg, thu lời gần 100 triệu đồng/năm. Có tiền, cụ mua thêm 5 công đất vườn trồng 600 gốc cam, nâng tổng số cam lên 1.200 gốc. Để vườn cam không bị già nua, thời gian thu hoạch lâu, cụ dùng phân chuồng bón vào gốc cam và thiết lập hệ thống tưới tiêu xung quanh vườn. Cũng từ cách làm mới này mà vườn cam của cụ Tư luôn cho trái trĩu cành, cam ngọt và mọng nước nên bán được giá, thương lái đến tận nơi thu mua. Thấy cụ Tư trồng cam trúng vụ, nông dân trong xóm cũng bắt chước trồng theo nên giá cam bắt đầu “tuột dốc”. Vì vậy, cụ Tư chuyển sang trồng cam cho trái vụ nghịch. Theo cụ Tư, cam từ khi trồng đến khi trổ bông mất gần 1 năm, tuy nhiên, do trồng cam ghép nên vụ đầu, cần cắt bỏ trái để dưỡng cho cây phát triển, vụ sau sẽ cho sai trái. Để cho trái vụ nghịch, khi cam trổ bông, cụ lặt bỏ nụ và bón phân chuồng vào gốc, đến khoảng tháng 4 âm lịch bắt đầu phun xịt thuốc kích thích cho cây trổ bông đến khi thu hoạch. Vì thế, năm nào vườn cam của cụ cũng cho 40-50 tấn trái, với giá bán bình quân 18.000-20.000 đồng/kg, trừ chi phí, lời khoảng 450- 500 triệu đồng/năm. Giờ đây, cuộc sống gia đình cụ Tư đã trở nên khấm khá và là một trong những gia đình mẫu mực, con cái đều có nghề nghiệp ổn định. Ngoài chăm sóc vườn cây, cụ Tư còn dành nhiều thời gian cho công tác xã hội từ thiện ở địa phương. Năm 2003-2004, cụ được tặng Bằng khen nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và mới đây được Hội Người cao tuổi tỉnh An Giang chọn là gương điển hình báo cáo thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. |