Dù đã 64 tuổi nhưng lão nông Mai Văn Cúc (ấp 5, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) vẫn mày mò sáng tạo chiếc máy phun thuốc cho cây cao su rất tiện ích (ảnh).
Cuối năm 2010, thùng quạt gió phun thuốc đầu tiên ra đời. Thùng quạt phun thuốc có hình tròn được làm bằng sắt, bên trong có 2 cái quạt với 16 cánh, chúng được hàn vuông góc để tạo ra một lực gió ly tâm. Quạt được gắn trên một trục pô-ly đặt trên một giàn sắt.
Pô-ly này được nối với pô-ly của một máy dầu 28 sức ngựa nằm dưới sàn của rờ-moọc máy cày. Pô-ly máy dầu còn chuyền thêm cho 2 pô-ly của máy bơm nước (loại máy bơm thường được dùng để rửa xe máy). 2 ống nước phun của máy bơm gắn vào 5 đầu bét phun tia đặt trên miệng phun của cánh quạt hướng thẳng lên trên không.
Sau khi cho thuốc hòa với nước trong thùng (khoảng 1m3). Thuốc được hút qua máy bơm rồi phun lên trời, lúc đó gió từ thùng quạt đẩy lên tầm cao chừng vài chục mét. Ông Cúc cho biết: "Cái khó ở đây là tạo ra được một lực gió để đưa thuốc lên cao mà không làm rụng lá cây".
Đến nay, ông Cúc đã sản xuất và bán được 5 chiếc bán cho các nhà vườn khác (giá 16 triệu đồng/thiết bị), chỉ giữ lại một chiếc để làm công khoán cho người có nhu cầu phun thuốc. Ông Lê Văn Muồng (ngụ ấp 4, xã Minh Hưng), người sử dụng thiết bị phun thuốc nói: "Ưu điểm của chiếc quạt này là phun thuốc được tầng cao (từ 20-25 mét), người phun không bị trúng thuốc. Có chiếc máy này, giảm công lao động rất nhiều (chỉ cần 1 người điều khiển). Trước đây, 2 nhân công chỉ phun được 1 ha/ngày. Còn bây giờ, 12 ha cao su của tôi chỉ cần làm trong vòng 1 ngày là đủ".
Sáng kiến chế tạo thiết bị quạt gió phun thuốc của lão nông Mai Văn Cúc đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng bằng khen.