00:00 Số lượt truy cập: 2987100

Lão nông và hơn 3000 chiếc máy tuốt lúa 

Được đăng : 03/11/2016

Lão nông Chu Văn Quỳnh, sinh năm 1959, người dân tộc Tày ở thôn Rèm, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã có sáng kiến cải tiến, chế tạo chiếc máy tuốt lúa có lợi ích thiết thực giúp người nông dân trong thu hoạch mùa vụ.


Ông Quỳnh bên chiếc máy tuốt lúa.

Giáo Liêm là xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Từ năm 1998 trở về trước, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, đậu tương, người dân ở đây thường chủ yếu dùng sức người, sức trâu, bò để đập thóc, đậu đỗ hoặc dùng máy tuốt đạp bằng chân có khung và các bộ phận chính làm chủ yếu bằng gỗ để tuốt lúa. Ông Quỳnh nhận thấy, sử dụng chiếc máy tuốt lúa bằng khung gỗ, chân đạp, độ an toàn không cao, mất nhiều nhân công, cấu tạo cồng kềnh và dễ bị hỏng hóc... Do đó, năm 2000, ông đã có ý tưởng cải tiến và chế tạo thành công chiếc máy tuốt lúa dùng cho hộ gia đình sử dụng động cơ điện vừa đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, vừa có hiệu năng cao. Ông Quỳnh đã sử dụng loại mô tơ điện để tải trục máy tuốt lúa cải tiến thay thế cho việc phải đạp bằng chân ở loại máy tuốt lúa bằng gỗ. Về nguyên lý cấu tạo của chiếc máy tuốt lúa mới, ông sử dụng loại mô tơ điện (tận dụng từ những chiếc máy bơm nước công suất 750 W vốn sẵn có trong các hộ gia đình hoặc các máy nổ loại nhỏ khác cho phần động cơ). Bộ phận đập lúa gồm hai bộ vành cong ở hai bên sườn máy và giữa là 7 chiếc thang đập dài nằm song song với nhau. Bộ khung máy gồm có sàng thóc, giá đỡ động cơ điện và khung máy hình hộp chữ nhật có chiều dài 55 cm, rộng 42 cm, cao 55 cm. Bộ phận trục máy gồm có trục tâm, gối đỡ bi và 6 bộ răng chải, mỗi bộ gồm 8 chiếc răng làm bằng sắt phi 8 và dài 11 cm. Bộ phận áo máy làm bằng tôn gắn trực tiếp vào khung máy và máng bón lúa làm bằng gỗ hoặc sắt, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Chiếc máy tuốt lúa do ông Quỳnh chế tạo, đưa vào sử dụng ở đồng ruộng Sơn Động đã cho thấy những ưu điểm lớn là không làm đứt bông, lá lúa, rơm không bị nhàu nát và sạch thóc nên giảm được đáng kể lượng thóc bị thất thoát trong quá trình tuốt. Ngoài ra, máy có thể tuốt được các loại lúa được gặt ngắn, bó to, bó nhỏ khác nhau; máy chạy im, không rung, vào tải nhẹ, ít tiếng ồn, ít bị hỏng hóc; các bộ phận của máy có thể tháo lắp, thay thế, sửa chữa dễ dàng; giảm được đáng kể công lao động và chi phí tiền điện; ngoài tuốt lúa còn có thể dùng để tuốt đỗ tương... Bên cạnh những tính năng trên, chiếc máy tuốt lúa này còn được thiết kế gọn nhẹ, dễ dàng vận chuyển, có thể áp dụng sản xuất trên mọi địa hình, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng giao thông đi lại khó khăn; đồng thời chi phí để mua máy khá hợp lý (khoảng 1,5 triệu đồng/chiếc). Công suốt tuốt của chiếc máy này khá tốt, chỉ trong vòng 20 phút đã tuốt được khoảng 1 sào lúa (khoảng 2 tạ thóc).

Hiện tại ở gia đình mình, ông Quỳnh đã thành lập một xưởng sản xuất chuyên chế tạo loại máy tuốt lúa này, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho các lao động trong gia đình và 5 công nhân là người địa phương. Từ năm 2000 đến nay, xưởng sản xuất của gia đình ông Quỳnh đã chế tạo, xuất bán được trên 3.000 chiếc máy tuốt lúa cải tiến phục vụ bà con nông dân ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và ở các tỉnh lân cận Quảng Ninh, Lạng Sơn. Ông Quỳnh còn cho biết sắp tới ông sẽ chế tạo chiếc máy gặt đập liên hoàn sử dụng phù hợp ở đồng ruộng miền núi, chế tạo thêm chiếc máy tẽ ngô cải tiến để phục vụ bà con nông dân địa phương.