ĐAM MÊ
Nguyễn Phú Tuấn sinh ra và lớn lên ở xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội). Vốn là kỹ sư địa chất, nhưng anh lại có duyên với nghề trồng trọt, nhất là cây thượng đẳng nhân sâm. Ngay từ thời sinh viên năm thứ 2, anh đã được đi tham quan một số khu vực rừng núi phía Bắc và đã nảy ý định tìm kiếm một số cây thuốc nam, cây sâm mang về trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, những lần thử nghiệm đó đều thất bại.
Năm 1997, Tuấn chuyển vào tỉnh Lâm Đồng công tác và luôn mơ ước một ngày nào đó mình sẽ mở được một trang trại trồng sâm quý. Để thực hiện ước mơ của mình, Tuấn đã lặn lội đi nhiều khu vực rừng núi như Đăk Lăk, Đăk Nông, Đạ Tẻ, Nam Cát Tiên, để tìm tòi di thực giống về để trồng, nhưng vận may vẫn không dễ dàng đến…
Đến năm 2008, tình cờ trong một lần đi đo đạc ở gần vườn Quốc gia Bi Đúp - Núi Bà (cao nguyên Langbiang) có độ cao 2.287 m so với mực nước biển, Tuấn nhận thấy khu vực này luôn luôn có sương mù bao phủ, khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 17 - 20 oC, môi trường hầu như còn nguyên sinh là điều kiện rất tốt cho các loại sâm phát triển.
Tuấn cũng tình cờ phát hiện một số cây thuốc mọc rải rác ven khu rừng nguyên sinh đang sinh trưởng rất tốt. Để thẩm định chắc chắn, Tuấn mang cây thuốc về Viện Dược liệu TP.HCM nhờ các nhà khoa học phân tích và được biết đây là cây thượng đẳng nhân sâm, tên khác là phòng đẳng sâm, hay đẳng sâm.
Sau lần đó, nhiều đêm Tuấn cứ trằn trọc mãi không ngủ được và suy nghĩ: Tại sao bên Hàn Quốc họ trồng được, mình lại không trồng được? Trong khi khí hậu ở đây có những điểm tương đồng, hơn nữa mình vẫn phải nhập khẩu sâm tươi từ nước ngoài, giá thành lên tới 7 - 8 triệu đ/kg, có loại cả hàng chục triệu đồng. Vậy là anh quyết tâm trồng sâm từ đó.
Sản phẩm thượng đẳng nhân sâm của anh Tuấn
Tuấn chia sẻ: “Ban đầu tôi cứ âm thầm mày mò nghiên cứu, rồi trồng thử nghiệm trong chậu, trồng trước sân nhà, cây phát triển kém, èo uột, trồng mãi chẳng thấy củ đâu. Tôi quyết định mang cây trở lại nơi phát hiện ban đầu ở ven rừng nguyên sinh. Thượng đẳng nhân sâm về với rừng, cây được gần với thiên nhiên, tắm nước khe suối, được hấp thu đầy đủ tinh hoa của đất trời, cây phục hồi nhanh chóng và phát triển tốt.
Niềm vui mới vừa hé nở, tưởng đã thành công. Nào ngờ chỉ sau một đêm, cơn mưa lũ đầu mùa, nước dâng cao, đã cuốn trôi hết chỉ còn sót lại vài chục cây, nằm vất vưởng trên một gò đất cao. Sáng hôm sau tôi vào thăm, nhìn vườn sâm bị cuốn trôi, nước mắt cứ tuôn trào, phần thì tiếc những cây sâm giống, phần thì buồn vì đã bỏ bao nhiêu công lao, tâm huyết, nay đều đổ xuống sông, xuống suối. Tôi nhặt ít cây sâm còn sót lại mang về nhà, mà lòng vẫn còn xót xa…”.
Trong lúc loay hoay chưa biết làm gì với số cây giống còn lại, qua một người bạn, Tuấn gặp PGS.TS Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm sâm (Viện Dược liệu TPHCM). Trong thời gian này, PGS.TS Luận đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về cây dược liệu tại Lâm Đồng với mục tiêu nhân giống và phát triển cây thượng đẳng nhân sâm.
Thấy Tuấn cũng ham mê trồng trọt cây dược liệu, ông đã mời tham gia cộng tác nhân giống và trồng cây thượng đẳng nhân sâm. Sau khi phối hợp khảo sát về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước, Tuấn quyết định mua đất ở xã Đạ Chay, huyện Lạc Dương, để xây dựng trang trại, trồng thử nghiệm giống cây dược liệu quý hiếm này. Sau thời gian trồng thử nghiệm cây đẳng sâm phát triển tốt, củ to, chất lượng không thua kém củ nhân sâm tươi của Hàn Quốc.
THU BẠC TỶ
Anh Tuấn chia sẻ: “Từ 1.000 m2 đất trồng cây giống ban đầu, đến nay tôi đã trồng được 10 ha và đã bắt đầu cho thu hoạch. Bước đầu năng suất chưa cao lắm, mới chỉ đạt 2 - 3 tấn/ha. Điều đáng mừng, thượng đẳng nhân sâm có hình dáng rất đẹp, đặc biệt là cây có đầy đủ các dược lý, dược tính cần thiết, có tác dụng chữa được nhiều bệnh, bồi bổ rất tốt cho sức khỏe. Sản phẩm sâm tươi của tôi được kiểm nghiệm tại Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM cho thấy hàm lượng Saponin khá cao, đạt 6,37%”.
Qua việc nhân giống, trồng thành công trang trại đẳng sâm, gia đình anh Nguyễn Phú Tuấn một năm thu nhập hàng tỷ đồng, đồng thời góp phần bảo tồn nguồn gen thực vật quý hiếm. Tới đây anh Tuấn tiếp tục nghiên cứu, phát triển diện tích, hoàn thiện quy trình chăm sóc cũng như quy trình bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đẳng nhân sâm cho người dân địa phương. |
Hiện nay, sản phẩm thượng đẳng nhân sâm tươi của anh Tuấn đã được Sở Y tế , Chi cục ATVSTP Lâm Đồng chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và chất lượng tốt. Với sản phẩm sâm tươi từ 1 - 3 năm tuổi, canh tác theo quy trình nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng tốt, giá thành phải chăng đã được thị trường TP.HCM rất ưa chuộng. Anh đã cung cấp sản phẩm thượng đẳng nhân sâm tươi cho các hệ thống siêu thị như Citimart, Vinatex, Maximart, Sài Gòn HD, Trung tâm Thương mại Vân Hồ (Hà Nội)… Giá bán sỉ, củ sâm tươi thương phẩm từ 500.000 - 1.500.000 đ/kg.
PGS.TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở KH-CN Lâm Đồng cho biết, thượng đẳng nhân sâm là cây dược liệu quý, được thay thế củ nhân sâm trong các bài thuốc đông dược, có nhiều giá trị trong y học. Sở đang tập trung hỗ trợ hoàn thiện quy trình bảo quản sau thu hoạch cho sản phẩm đẳng sâm của anh Tuấn. Đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, cần được nhân rộng và phát triển đại trà. Cây sâm này, nếu được quan tâm ứng dụng công nghệ cao sẽ trở thành sản phẩm quốc gia có giá trị trong tương lai.