Bán khoai tại ruộng
Năm nay, gia đình chị Đinh Thị Mai, thôn Nguyệt Cầu, xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh) có 5 sào mầu thì 3 sào chị quyết định trồng giống khoai tây mới. Công ty Orion Vina đã phối hợp với Viện sinh học nông nghiệp (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) chuyển giao giống, kỹ thuật trồng cho nông dân. Gần một tháng nữa khoai nhà chị Mai mới thu hoạch nhưng khi bới thử những củ khoai đã to chằn chặn.
Mỗi khóm từ 4- 5 củ to gần bằng nắm tay. Chúng tôi cân thử, khóm nhiều nhất đạt tới 1,4 kg, khóm trung bình cũng được 1 kg. Chị Mai cho biết, trước đây gia đình thường trồng giống khoai tây thịt. Vài vụ đầu còn được năng suất 7- 8 tạ/sào, nhưng càng đến vụ sau do sâu bệnh nên năng suất càng giảm. Giá bán khoai cũng chỉ được 3.000 đồng/kg nhưng cũng không ổn định mà phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. “Năm nay, công ty và viện ký hợp đồng với nông dân, giúp giống khoai tốt, lại mua giá cao hơn nên chúng tôi khấn khởi lắm” - chị Mai nói.
Cũng như người dân ở Bắc Ninh, đây là vụ đầu tiên, nông dân HTX nông nghiệp Tiên Thanh (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) trồng giống khoai Atlantic để cung cấp cho nhà máy chế biến. Chủ nhiệm HTX Vũ Hồng Săm bộc bạch: Nông dân thấy có lợi là sẵn sàng theo. Ngay vụ đầu tiên, HTX đã mạnh dạn đưa 15 ha vào trồng giống khoai tây mới này. Vừa bới khóm khoai sắp thu hoạch, anh Săm nói: “Ngày xưa mà được củ khoai to như thế này là niềm mơ ước rồi”. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng khoai bạt ngàn của HTX, chủ nhiệm Săm tính toán: Với năng suất 8- 9 tạ/sào thì theo mức giá thu mua của công ty, mỗi sào nông dân có thể thu lãi từ 1,5- 2 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Mai, thôn 1, xã Tiên Thanh cho biết, khi HTX mới đưa giống về, bà con còn băn khoăn bởi khả năng chống chịu bệnh xoắn lùn do virus của “anh khoai Mỹ” này. Nhưng đến nay, khi gần thu hoạch thì thấy rõ, ruộng bên cạnh trồng giống cũ thì cây bị héo rũ, mà giống mới không hề bị, vẫn đảm bảo năng suất. Khoai lại không lo đầu ra bởi nhà máy sẽ cho xe về thu mua ngay tại bờ ruộng.
Ông Bí thư huyện đi trồng khoai tây
Ngay lần đầu gặp, chúng tôi đã bị ấn tượng bởi nét giản dị của Bí thư Huyện uỷ Yên Phong Nguyễn Văn Hồng. Là dân nông nghiệp, nên anh Hồng cũng lặn lội ngày đêm với bà con để mang giống khoai mới này về quê hương. Hiện, anh Hồng đang làm luận án tiến sỹ về đề tài khoai tây chế biến. Gặp chúng tôi, anh Hồng dẫn ngay ra ruộng nhà mình nơi anh đang tiến hành những thử nghiệm về 7 giống khoai mới đều có khả năng đưa vào nhà máy chế biến. Kết quả bước đầu cho thấy, có 3 giống rất có triển vọng. Niềm say mê với cây khoai tây của ông Bí thư Huyện uỷ càng được nhân lên khi Yên Phong được Công ty Orion Vina chọn làm nơi đặt nhà máy chế biến khoai tây đầu tiên của miền Bắc.
Bí thư Hồng cho biết, Yên Phong là huyện có tiềm năng phát triển cây khoai tây, có thể trồng được 1.500- 2.000ha. Nhưng thực tế hiện chỉ đạt 250- 300ha/vụ do không có bộ giống tốt, thị trường tiêu thụ ổn định. Với những giống mới do công ty và viện cung cấp sẽ giúp Yên Phong phát triển mạnh được cây trồng có hiệu quả kinh tế khá cao này, lại không bị tranh chấp thời vụ với cây lúa. Anh Hồng cho biết, khoai tây chế biến cần hàm lượng tinh bột rất cao tới 19% (khoai tây thường chỉ 15%), hàm lượng đường khử phải dưới 0,5%. Nếu hàm lượng đường quá cao khi chế biến, miếng khoai dễ bị cháy xém cạnh, không đảm bảo yêu câu. Chính vì vậy, việc trồng giống khoai tây chế biến cũng phải tuân thủ đúng kỹ thuật. Nếu không củ khoai dễ bị nứt, tối màu. Củ khoai chế biến phải đảm bảo đường kính từ 4- 9 cm.
Chúng tôi tới thăm nhà máy chế biến của Orion Vina tại Khu công nghiệp Yên Phong, ông Park Hyoun Soo, giám đốc nhà máy cho biết, sau hơn 1 năm xây dựng, tháng 3/2009 nhà máy chính thức đi vào hoạt động với dây chuyền SX chocopie. Ngay trong năm 2009, công ty đã cần 7.000 tấn khoai nguyên liệu, sang năm 2010 là 12.000 tấn. Như vậy, diện tích vùng nguyên liệu phải từ 700- 1.000 ha. Trước mắt nguyên liệu trong nước mới đáp ứng được 50%, số còn lại phải nhập từ Trung Quốc. Hiện nay, tập đoàn Orion đã có nhà máy tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga.
Tại VN, ngoài nhà máy tại Bình Dương, thì tại Bắc Ninh là nhà máy thứ 2. Orion đặt tham vọng từ đây chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. “Chúng tôi cam kết thu mua hết khoai tây cho nông dân với số lượng lớn” - ông Park Hyoun Soo cam kết. Để phát triển vùng nguyên liệu, công ty đã liên kết với Viện sinh học nông nghiệp trong việc hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. GS. TS Nguyễn Quang Thạch, nguyên Viện trưởng Viện sinh học nông nghiệp bày tỏ, đây là một mô hình mẫu trong việc liên kết 4 nhà để phát triển nông nghiệp hàng hoá. Trong đó, DN là phải người đi đầu, phối hợp liên kết với nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học.
Ngoài trồng khoai tây trong vụ đông, viện đã tiến hành hướng dẫn nông dân trồng lệch vụ, phát triển khoai tây trong vụ xuân tại Lạng Sơn. GS Thạch cho rằng, để phát triển nông nghiệp bền vững, tất yếu chúng ta phải đa dạng hoá cây trồng. Khoai tây chế biến là một hướng đi hiệu quả của nông nghiệp phía Bắc.