Với điều kiện thời tiết, khí hậu khá thuận lợi, Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương có thể sản xuất nấm quanh năm với nhiều loại nấm khác nhau, bao gồm cả nấm dược liệu quý (linh chi, vân chi, đầu khỉ…) và những loại nấm làm thực phẩm bổ dưỡng như nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm chân dài, kim châm… Nguồn nguyên liệu trồng nấm cũng phong phú vì mỗi năm có 500-600 nghìn tấn rơm rạ, 15-20 nghìn tấn mùn cưa từ sản xuất lâm nghiệp. Lực lượng lao động dồi dào, sẵn có vì hiện nay có khoảng 70% lao động ở khu vực nông thôn, nguồn thu nhập gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, những năm qua nhiều hộ đầu tư trồng nấm và thu được kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Ông Đỗ Vinh Thúy, chủ cơ sở sản xuất, chế biến nấm tại xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) là một ví dụ điển hình. Ông Thúy cho biết, từ năm 2003, gia đình ông bắt đầu trồng nấm, ban đầu chỉ sử dụng 5-10 tấn nguyên liệu/năm, thu lãi 15-20 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của cây nấm, gia đình đã thuê 0,5 ha đất, đầu tư 800 triệu đồng mua sắm trang thiết bị để thành lập cơ sở sản xuất, chế biến nấm, trung bình thu lãi 2-3 triệu đồng/tấn nguyên liệu đối với sản xuất nấm mỡ, mộc nhĩ; 5-6 triệu đồng nếu trồng nấm sò. Trong những năm tiếp theo, ông Thúy có kế hoạch mở rộng sản xuất, mỗi năm sẽ sử dụng hơn 200 tấn nguyên liệu để trồng các loại nấm, trong đó có cả các loại quý như nấm linh chi. Ông Thúy cho rằng, trong điều kiện hiện nay, ít có nghề nào cho hiệu quả kinh tế cao hơn nghề trồng nấm, chi phí đầu tư nguyên liệu, tỷ lệ rủi ro thấp, khai thác được lợi thế lao động nông nhàn, không gây ô nhiễm môi trường, thị trường tiêu thụ lớn, tận dụng bã thải sản xuất nấm để làm phân bón, cải tạo đất… Cũng giống như gia đình ông Thúy, nhiều hộ dân khác đã nhận thấy tiềm năng của cây nấm nên mạnh dạn đầu tư vào sản xuất như hộ ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Trí Yên (Yên Dũng), ông Nguyễn Danh Thuyết, xã Ninh Sơn (Việt Yên)… hàng năm sử dụng hơn 100 tấn nguyên liệu, doanh thu đạt 500-800 triệu đồng.
Trao đổi kinh nghiệm trồng nấm giữa các gia đình tại xã Tư Mại (Yên Dũng).
Hiện nay, trong toàn tỉnh có khoảng 500 hộ sản xuất nấm và đã hình thành một số điểm tập trung, quy mô làng nghề như xã Tiên Lục, Tân Dĩnh, Nghĩa Hưng (Lạng Giang); Trí Yên, Đồng Việt (Yên Dũng). Chỉ tính trong giai đoạn 2007-2010, các cơ sở đã đưa hơn 8 nghìn tấn nguyên liệu rơm rạ, mùn cưa vào sản xuất nấm; sản lượng đạt 3.500 tấn nấm tươi; doanh thu gần 41 tỷ đồng (giá trị gia tăng đạt hơn 30 tỷ đồng). Ngoài ra, hơn hai nghìn lao động nông thôn có việc làm từ trồng nấm với mức thu nhập khá cao.
Mặc dù vậy, cây nấm hiện vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng trong sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân là do số lượng các cơ sở, gia đình tham gia sản xuất nấm còn quá ít; lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất nấm chỉ chiếm 1% so với tiềm năng của toàn tỉnh; chưa có mô hình hoạt động quy mô lớn, đầu tư sản xuất theo hướng kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm. Nói cách khác, trong nhận thức của nhiều người, trồng nấm vẫn chỉ là nghề phụ, chưa được coi là sản xuất hàng hóa có hiệu quả, giá trị kinh tế cao.
Trong dịp đánh giá kết quả thực hiện đề án phát triển sản xuất nấm từ 2007-2010, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện nay tình trạng nông dân đốt bỏ rơm rạ sau thu hoạch vừa gây lãng phí vừa phản khoa học do làm ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, tại các nước khác, rơm rạ, mùn cưa là nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất nấm, một số quốc gia lân cận còn phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ta, sau đó họ xuất khẩu nấm ngược trở lại với giá cao, thu lợi nhuận khổng lồ. Hạn chế lớn nhất của người trồng nấm trong nước cũng như ở Bắc Giang là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, không đủ sức đầu tư những máy móc, thiết bị bảo đảm kỹ thuật, đơn cử như công đoạn hấp khử trùng nguyên liệu, đa số các gia đình đều tự thực hiện nên nhiệt độ nồi luộc thủ công chỉ đến giới hạn khoảng 70oC, không đủ tiêu chuẩn 100oC, dẫn đến tỷ lệ hỏng lên đến 40%, gây thiệt hại và làm người sản xuất thiếu tự tin, dễ chán nản. Do vậy, trong điều kiện khó khăn, nông dân nên sản xuất theo nhóm hộ để có điều kiện tập trung đầu tư (nồi hơi, nhà lán sản xuất nấm…) và cũng là liên kết tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Về giống nấm, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học hiện có hơn 100 giống nấm, bảo đảm cung cấp bất cứ loại nấm nào cho nông dân sản xuất. Giáo sư cũng như Viện vi sinh vật và Công nghệ sinh học sẵn sàng sát cánh cùng nông dân, hỗ trợ về kỹ thuật, giống để nghề trồng nấm phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng lưu ý người sản xuất nấm ở Bắc Giang không nên tự bằng lòng với kết quả đạt được trong những năm qua, mà phải đổi mới cách nghĩ, mạnh dạn đầu tư, học hỏi kinh nghiệm theo hướng sản xuất hàng hoá.
Cùng nhận định với các chuyên gia đầu ngành về nấm, ông Nguyễn Danh Thắng, Giám đốc Trung tâm Giống nấm (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, nghề sản xuất nấm tuy dễ làm nhưng cũng đòi hỏi kỹ thuật nhất định, đa số các cơ sở sản xuất chưa kiểm soát được yếu tố môi trường, tác động của điều kiện tự nhiên nên tỷ lệ rủi ro còn cao. Đồng thời, khó khăn về mặt bằng, vốn sản xuất, kinh doanh; nhiều mô hình khi kết thúc dự án hỗ trợ, nghề nấm cũng gặp khó khăn do người dân còn có tâm lý trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Về thị trường tiêu thụ, đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu rau quả Phương Đông cho biết, trong năm 2012 nhu cầu nguyên liệu nấm mỡ của Công ty là 500 tấn và sẽ tiếp tục tăng dần qua từng năm đạt 2.000-3.000 tấn/năm. Công ty cam kết thu mua và tiêu thụ hết sản phẩm nấm của nông dân Bắc Giang sản xuất ra với mức giá ổn định khoảng 20.000 đồng/kg nấm mỡ tươi.
Như vậy, đây là cơ hội để nghề trồng nấm phát triển, nếu có sự chung tay của "4 nhà" thì mục tiêu đến năm 2015 sản xuất 6.000-7.000 tấn nấm tươi, tạo việc làm cho 3 nghìn lao động, doanh thu 150 tỷ đồng/năm là khả thi. Vấn đề đặt ra là người sản xuất có tận dụng được thời cơ này hay không để nghề này ngày càng phát triển, trở thành sản phẩm hàng hoá chủ lực trong sản xuất nông nghiệp Bắc Giang.