Nông dân phấn chấn
Trải qua ba mùa dịch vào cuối năm 2003, 2004 và 2005, anh Nguyễn Hồng Sơn, chủ trại gà bề thế ở huyện Long Khánh (Đồng Nai) đã "nghiệm" ra rằng người chăn nuôi có thể bị phá sản ngay cả khi đàn gia cầm của mình sạch bệnh. Là người từng trải trong nghề nuôi gà lông màu thả vườn, trại gà anh Sơn luôn được "bảo mật" trước vòng vây dịch cúm. Ấy vậy mà, hễ khi có dịch xảy ra, anh Sơn lại ngậm ngùi nhìn ngọn lửa thiêu đốt cả trăm ngàn con gà. Cả núi tiền chốc lát thành tro bụi. Do vậy, khi hay tin Sở NN&PTNT Đồng Nai "bắt tay" với các tỉnh trong vùng thực hiện chuỗi liên kết "chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ" gia cầm, anh đã thở phào nhẹ nhõm. "Người chăn nuôi chỉ cần đảm bảo sản phẩm gia cầm có đầu ra, còn biện pháp phòng chống dịch cúm khó khăn mấy cũng thực hiện được..."- anh nói.
Cũng giống như vậy, tâm trạng của ông Tư Bá, đại gia nuôi vịt ở thị xã Tân An-Long An mấy ngày này lúc nào cũng... lâng lâng. Không vui sao được khi mấy mùa dịch trước đó, ông tán gia bại sản vì không bán được vịt, dù gia cầm sạch bệnh. "Chi cục Thú y tỉnh vừa báo tin sẽ giới thiệu trại vịt của tôi cho lò mổ trên TP.HCM xuống ký hợp đồng tiêu thụ. Nếu được ký hợp đồng cung cấp cho các DN giết mổ, người chăn nuôi quá an tâm rồi"- anh Bá nói.
Không chỉ có anh Sơn, ông Tư Bá, hàng ngàn hộ chăn nuôi khác đang hồ hởi đón nhận chủ trương "ký hợp đồng tiêu thụ gia cầm" mà các tỉnh trong vùng vừa ký kết. Ông Lương Tám Hà -chủ trại vịt nuôi khép kín ở Long Thành, Đồng Nai tin tưởng, từ nay có thể "thở phào" ngay cả khi xảy ra dịch cúm. Ông Hà khẳng định, những trại chăn nuôi quy mô lớn, khép kín như ông luôn mất ăn mất ngủ vì "hung tin" dịch cúm gia cầm. Bởi nếu xảy ra dịch, dù gia cầm sạch bệnh đến mấy cũng không bán được. "Nay được ký hợp đồng tiêu thụ còn gì phải lo lắng nữa"- ông Tám Hà tự tin.
Sản phẩm gia cầm sẽ bị truy ngược
Lấy TP. HCM làm "điểm tựa" thực hiện chuỗi liên kết, 13 tỉnh, thành sẽ thực hiện cam kết quản lý đàn, kiểm soát chăn nuôi, tiêm phòng, lấy mẫu huyết thanh... Mục tiêu cuối cùng là phải đảm bảo gia cầm sạch bệnh cung cấp cho các lò mổ trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Phước Thảo - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong chuỗi liên kết, chúng tôi chịu trách nhiệm phải tìm đầu ra, nên sắp tới sẽ giới thiệu tất cả những DN, chủ lò mổ, xuống các tỉnh để ký hợp đồng tiêu thụ trực tiếp với các chủ trại chăn nuôi. "Chúng tôi sẽ giám sát việc thực hiện cam kết của các đơn vị này bằng cách kiểm tra hợp đồng, kiểm tra giấy chứng nhận chăn nuôi, tiêm vaccin, kiểm dịch từ các địa phương cấp cho từng lô gia cầm đưa về TP" - ông Thảo nói.
Điểm mấu chốt trong "sáng kiến liên kết" theo ý kiến các địa phương tham gia đó là việc từ nay có thể truy ngược nguồn gốc xuất xứ sản phẩm gia cầm. Để thực hiện được điều này, các tỉnh thống nhất phương án chỉ đồng ý cho các DN ký hợp đồng tiêu thụ với các chủ trang trại chăn nuôi có đăng ký. Đây là ý tưởng nhằm hướng đến ngành chăn nuôi gia cầm tập trung, loại bỏ dần chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y...
Điều băn khoăn nhất mà các tỉnh chưa an tâm khi "bắt tay" thực hiện liên kết đó là những điều khoản ràng buộc, cơ sở pháp lý trong hợp đồng tiêu thụ. Liệu khi xảy ra dịch, thị trường đóng băng, DN có dám mua gia cầm? Hay như nếu thị trường hút hàng, nông dân có được bán gia cầm cho thương lái với giá cao? Qua trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Chi cục trưởng Thú y Long An quả quyết, phải dẹp những băn khoăn này sang một bên để thực hiện mục tiêu lớn hơn là kiểm soát dịch bệnh, hướng đến ngành chăn nuôi tập trung, bền vững.
Bà Nga cho hay, có thể thực hiện "hợp đồng mở", mà ở đó DN và người chăn nuôi ký tạm ước với nhau cung cấp và tiêu thụ sản phẩm gia cầm sạch bệnh dưới sự giám sát thú y. Còn ông Châu Nhật Trung - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ-đơn vị giết mổ lớn tại TP. HCM cũng cho biết: Rất nhiều DN đã đầu tư kho cấp đông, có thể trữ gia cầm trong thời gian dài. Nên trong thời điểm xảy ra dịch, dù thị trường đóng băng vẫn có thể mua gia cầm, giết mổ trữ đông, chờ đến khi thị trường gia cầm hoạt động trở lại.