00:00 Số lượt truy cập: 2999432

Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra ở ĐBSCL 

Được đăng : 03/11/2016

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sáu tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cá tra tăng về số lượng và giá trị, với gần 320 nghìn tấn, đạt giá trị 828 triệu USD, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cá tra khó khăn, giá cá không ổn định. Thậm chí, mặc dù tổng lượng cá nuôi ở ÐBSCL chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu công suất cho các nhà máy, nhưng lại có tình trạng thừa nguyên liệu.


Chủ nhiệm HTX Thới An, quận Ô Môn Nguyễn Ngọc Hải, kiến nghị: "Ðể nghề nuôi cá tra phát triển bền vững, ngoài tăng cường liên kết bốn nhà, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp mua cá tra tạm trữ như đối với lúa gạo, để giá cá ổn định, bảo đảm người nuôi có lãi. Thời gian qua, một số chính sách hỗ trợ việc sản xuất tiêu thụ cá tra chưa phát huy hiệu quả do việc hỗ trợ chưa trực tiếp, doanh nghiệp, người nuôi cá phải vay vốn với lãi suất cao và ai cũng vì lợi ích của mình nên xảy ra xung đột và tình trạng giá cá tra không ổn định kéo dài. Bên cạnh đó, Nhà nước cần kiểm soát chất lượng thức ăn cá tra để người nuôi an tâm liên kết nuôi gia công với doanh nghiệp. Vì khi liên kết, người nuôi không được chủ động chọn nhà cung cấp thức ăn mà phải nhận nguồn thức ăn từ doanh nghiệp. Thực tế đã xảy ra tình trạng người nuôi nhận thức ăn không bảo đảm chất lượng, làm giá thành cao".

Một vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu là việc áp giá sàn xuất khẩu. Theo nhìn nhận của doanh nghiệp lẫn người nuôi, việc đưa ra giá sàn xuất khẩu là biện pháp tốt để hạn chế việc chấp nhận giá xuất thấp. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong nghề cá thì giá sàn mà VASEP đề ra chưa thật sát với giá thành của người nuôi. Do đó, các doanh nghiệp lẫn người nuôi không cảm thấy thật sự hài lòng với mức áp giá sàn hiện nay.

Trong khi đó, theo VASEP việc sản xuất và tiêu thụ cá tra còn gặp khó khăn do giữa người nuôi và doanh nghiệp chưa liên kết chặt chẽ; người nuôi thiếu vốn trong khi lãi suất ngân hàng cao, lại khó tiếp cận nguồn vốn; thị trường xuất khẩu cá tra phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn nhất là thị trường châu Âu...

Ðể nghề nuôi cá tra phát triển bền vững, cần thực hiện tốt, triệt để liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra. Trong đó, ngành chức năng cần công khai, minh bạch đầu vào cá tra để xác định giá sàn thu mua cá nguyên liệu, giá sàn xuất khẩu bảo đảm người nuôi và doanh nghiệp có lãi. Thời gian qua, tỉnh An Giang đang đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra, trong đó chú trọng đến chuỗi liên kết dọc trong nghề nuôi cá tra. Từ giữa năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang triển khai mô hình chuỗi liên kết dọc cá tra. Thực hiện chuỗi liên kết dọc, doanh nghiệp ký kết với các đối tác tham gia quy trình từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cá tra. Trong chuỗi liên kết dọc tạo ra giá trị con cá tra, các bên liên quan đều có quyền lợi và nghĩa vụ gắn chặt với nhau nên ít xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp hay phá vỡ hợp đồng. Vì vậy, vào thời điểm hiện nay, dù nguồn cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu thiếu nhưng nhờ chủ động liên kết, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại An Giang vẫn đủ cá tra nguyên liệu đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu mà công ty đã ký kết. Thực tế cho thấy, chuỗi liên kết thật sự sẽ là cứu cánh, giải quyết tốt vấn đề ép giá hay tạo giá ảo và kể cả tạo sự an tâm cho ngân hàng hỗ trợ vốn vay đối với cả doanh nghiệp lẫn người nuôi.

Vấn đề mấu chốt để giải quyết bài toán về tiêu thụ cá tra hiện nay là nhanh chóng quy hoạch, chuẩn quy hoạch nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu cho cả vùng về diện tích nuôi và nhà máy chế biến. Ðặc biệt, việc xây dựng mô hình liên kết vùng, phát triển bền vững ngành cá da trơn ở ÐBSCL, trong đó việc xây dựng cổng thông tin thị trường, cải thiện hoạt động, vai trò của các hiệp hội nghề cá, nâng cao năng lực thị trường trong liên kết chuỗi cung ứng ngành hàng... là những yêu cầu tiên quyết. Việc sản xuất và xuất khẩu cá ba sa, cá tra và tôm sú với quy mô hàng hóa lớn trở thành những sản phẩm xuất khẩu chủ lực và mang thương hiệu cho vùng ÐBSCL. Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ÐBSCL với quan điểm khai thác, sử dụng tài nguyên vùng ÐBSCL để phát triển nuôi cá tra bền vững phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL. Nhờ quy hoạch này việc phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra theo định hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng hiện đại hóa tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, với mục tiêu đến năm 2020 đạt 13 nghìn ha nuôi cá tra, sản lượng 1.850.000 tấn cá tra, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,1 đến 2,3 tỷ USD. Quan trọng hơn, mục tiêu dân sinh của quy hoạch này sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 200 nghìn lao động.