00:00 Số lượt truy cập: 2999906

Lời giải bài toán thâm canh ngô 

Được đăng : 03/11/2016

Trong canh tác sản xuất ngô, giống tốt là tiền đề quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm thì giải pháp thâm canh phù hợp là điều kiện đủ để phát huy hết tiềm năng của giống. Thực tiễn cho thấy, bà con nông dân còn theo tư duy canh tác cũ, mức độ thâm canh hạn chế nên năng suất ngô còn ở mức rất thấp.


Chiếm gần ½ tổng diện tích trồng ngô của cả nước, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, khu vực miền núi phía Bắc cho thấy tiềm năng phát triển cây ngô lai rất lớn so với các địa phương trên cả nước. Những năm qua, với việc đưa nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, năng suất và sản lượng ngô được nâng cao theo từng năm. Tuy nhiên năng suất ngô bình quân của vùng hiện nay chỉ mới đạt khoảng 3,5 tấn/ha. Trong khi tiềm năng năng suất của một số giống ngô lai cao sản đang được áp dụng đại trà trong sản xuất có thể đạt 12- 14 tấn/ha. Một khoảng chênh lệch quá lớn.

Trước hết nói về yếu tố tiềm năng của giống. Tuy được đưa vào muộn hơn so với nhiều giống ngô lai trên thị trường, nhưng bộ giống ngô lai NK của công ty Syngenta Việt Nam từ lâu đã được coi là các giống ngô lai cao sản chủ lực cho các vùng trồng ngô trên cả nước. Các giống ngô như NK4300, NK66, NK67, NK54... được đánh giá cao bởi khả năng chịu hạn, chống đổ tốt, sinh trưởng phát triển khỏe, cho năng suất cao vượt trội trong cùng điều kiện chăm sóc.

Đánh giá về sản phẩm NK54, hộ nông dân Lò Văn Phái – xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn – Sơn La nhận định: “Giống ngô NK54 được bà con ưa chuộng sử dụng qua nhiều năm bởi đặc tính nổi trội như: cây con sinh trưởng phát triển khỏe, chịu hạn, chống đổ tốt, tiềm năng năng suất cao, màu sắc hạt đẹp, chất lượng hạt thương phẩm cao".

Cùng chung nhận định như vậy, hộ nông dân Nguyễn Thị Chuyên – bản Tà Niết – xã Chiềng Hắc – Mộc Châu cho biết: “3 năm nay gia đình tôi năm nào cũng trồng khoảng 100kg giống ngô NK54, sản lượng bình quân cuối vụ đạt được là 37-38 tấn hạt khô. Nếu quy ra năng suất được 7,4-7,5 tấn/ha. Từ ngày tôi trồng giống này thì thấy rất hài lòng”.

Tuy nhiên hộ nông dân này cũng nhấn mạnh thêm “năm nay tôi thấy một số người phản ánh là khi trồng giống ngô NK54 và một số giống khác có tỉ lệ cây không có bắp khoảng 10-15%. Từ kinh nghiệm nhà mình tôi cho rằng hộ nào trồng với mật độ thưa, chăm sóc, bón phân hợp lý thì năng suất rất cao. Trong điều kiện năm nay mưa nhiều, hộ nào trồng dày 2-3 hạt/hốc mà bón phân ít thì làm sao có năng suất cao được?”.

Từ thực tiễn trên cho thấy để phát huy tiềm năng của giống thì biện pháp thâm canh là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, một trong những khó khăn là đa phần bà con trồng ngô tại miền núi phía Bắc chủ yếu dân tộc vùng cao, trình độ nhận thức và khả năng đầu tư còn nhiều hạn chế, thể hiện:

Thứ nhất, do nguồn tài chính hạn hẹp nên nhiều bà con vẫn trung thành với một số loại giống ngô lai cũ đã trồng cách đây 15-20 năm bởi giá thành rẻ, đầu tư chăm sóc ít và vấn đề tiếp cận với thông tin còn nhiều hạn chế. Để đạt được năng suất cao thì tiềm năng của giống là yếu tố rất quan trọng mà bà con cần lưu ý lựa chọn.

Thứ hai, nhiều bà con tại các vùng trồng ngô như Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn... vẫn theo thói quen trồng dày, trồng 2-3 hạt/hốc thậm chí có hộ trồng tới 4-5 hạt/hốc. Khoảng cách mật độ không cân đối dẫn tới cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng của cây ngô, tăng tỉ lệ nhiễm sâu bệnh có thể gây ra một số hiện tượng như cây không có bắp, bắp bé hoặc không có hạt. Đây có thể coi là 1 trong 2 nguyên nhân chính khiến cho năng suất ngô hiện nay tại các tỉnh miền núi phía Bắc hiện thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước mặc dù điều kiện đất đai, khí hậu tại vùng này thuận lợi cho việc trồng ngô hơn nhiều vùng sinh thái khác.

Thứ ba, mức đầu tư về phân bón của người dân còn thấp hoặc chưa cân đối. Ngô là loại cây trồng yêu cầu mức đầu tư về phân bón cao. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên hiện nay nông dân còn chưa đáp ứng đủ lượng phân bón các loại cho cây ngô theo quy trình khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc thiếu phân bón sẽ làm cây ngô không phát huy được tiềm năng năng suất, bên cạnh đó thói quen của nông dân là bón nhiều phân đạm trong khi không quan tâm đến các yếu tố phân bón khác như lân, kali, điều này rất dễ làm cho cây ngô tích nước nhiều dẫn tới sâu bệnh và đổ ngã, năng suất thấp.

Một vấn đề cũng gây thất thoát nhiều là trong quá trình bảo quản thu hoạch ngô bà con có tập quán để ngô khô treo đèn trên ruộng hoặc phơi sấy, bảo quản không tốt dẫn tới nấm mốc, sâu, mọt cắn phá làm giảm chất lượng hạt sau khi thu hoạch.

Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm “bàn giải pháp thâm canh các giống ngô lai cao sản khu vực miền núi phía Bắc” do công ty Syngenta VN, công ty BVTV An Giang phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La tổ chức mới đây, các chuyên gia chia sẻ: “Hiện chúng ta có nhiều giống ngô lai rất tốt. Để đạt năng suất như mong muốn, bà con nông dân cần lưu ý áp dụng đúng 3 vấn đề: “Mật độ - phân bón – thu hoạch và bảo quản”, nghĩa là: mật độ hợp lý theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất; phân bón đầy đủ, cân đối; thu hoạch, phơi sấy đúng phương pháp, hợp lý...

Có như vậy bà con nông dân trồng ngô khu vực miền núi phía Bắc mới có thể phát triển bền vững và làm giàu trên đồng đất của mình.