00:00 Số lượt truy cập: 2999652

Lời giải nào cho chăn nuôi nông hộ? 

Được đăng : 03/11/2016

Việc chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ đang chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động chăn nuôi tại các địa phương. Bên cạnh thuận lợi như: tận dụng được diện tích, lao động, nguồn thức ăn, đầu tư ít, quay vòng vốn nhanh… thì chăn nuôi theo hình thức này gây ảnh hưởng không nhỏ tới an toàn dịch bệnh và môi trường, sinh hoạt của người dân.


Bên cạnh hiệu quả kinh tế, chăn nuôi lợn quy mô nhỏ gây ảnh hưởng tới AT dịch bệnh.

Theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, chúng tôi có dịp “mục sở thị” một số mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư tại xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi - Hưng Yên). Vừa đến cổng là biết ngay gia đình anh Nguyễn Công Năm đang chăn nuôi lợn bởi dãy chuồng nằm liền kề với bếp và có mùi hôi đặc trưng do không có hệ thống xử lý chất thải. Vài con lợn nái, gần chục con lợn choai nằm uể oải trong dãy chuồng. Khi chúng tôi hỏi đến những chai thuốc thú y cạnh chuồng, anh Năm cho biết: “Gần 1 tuần nay, đàn lợn biếng ăn, mệt mỏi nên tôi tự mua thuốc về tiêm hoặc trộn cùng thức ăn cho lợn ăn”. Qua trao đổi chúng tôi được biết, ngoài việc tiêm phòng cho đàn lợn một số bệnh theo chương trình miễn phí của ngành chăn nuôi thì gia đình anh không tiêm phòng loại bệnh nào khác. Việc nuôi lợn ngay trong khuôn viên sinh hoạt không chỉ gây mất vệ sinh cho chính gia đình anh mà còn ảnh hưởng tới các hộ xung quanh. “Nuôi ít nên nhà tôi không xây dựng công trình xử lý chất thải, chất thải sau khi dọn rửa chuồng theo cống rãnh ra sông”, vợ anh Năm cho biết.

Xã Hồ Tùng Mậu hiện có khoảng 100 mô hình chăn nuôi nông hộ nằm rải rác ở 5 thôn của xã. Điểm chung của các hộ này là không có hệ thống xử lý chất thải, nằm xen trong khu dân cư và người chăn nuôi thiếu kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh. Người dân địa phương cho biết, sống gần hộ chăn nuôi không chỉ khổ vì ô nhiễm không khí, tiếng ồn mà còn lo ngay ngáy mỗi khi dịch bệnh.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ân Thi, việc chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức nông hộ, xen kẽ trong khu dân cư khá phổ biến. Tổng đàn lợn của huyện là 29.000 con, đàn trâu - bò hơn 5.000 con, gia cầm hơn 1 triệu con nhưng chỉ có khoảng 1.000 con lợn, 50.000 con gia cầm được chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư. Ông Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ân Thi cho biết: “Mặc dù không khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ song đây là nghề để nông dân phát triển kinh tế nên địa phương chỉ có thể tuyên truyền, vận động giữ vệ sinh trong chăn nuôi, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm phòng cao”.

Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT - Hưng Yên) cho biết, ngành chăn nuôi đang tập trung thực hiện hai dự án lớn là “Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm” và “Dự án phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc an toàn sinh học theo hướng VIETGAHP và chăn nuôi bò thịt cao sản giai đoạn 2011- 2015”.

Thông qua dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm, đối tượng hưởng lợi là hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ và vừa, cơ sở giết mổ và chợ bán thực phẩm tươi sống. Điểm nhấn của dự án là cố gắng giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nhỏ lẻ thông qua việc tập huấn, đào tạo quy trình an toàn cho người chăn nuôi, xử lý chất thải, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ giống, vốn.

Cũng nằm trong chương trình hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ, Dự án phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc an toàn sinh học theo hướng VIETGAHP và chăn nuôi bò thịt cao sản giai đoạn 2011- 2015 nhằm đẩy mạnh chăn nuôi lợn nạc và trâu, bò thịt cao sản an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn và sức khỏe cộng đồng. Trên địa bàn tỉnh, chăn nuôi lợn đang phát triển khá mạnh, tốc độ đạt 7,5%, chiếm 79,52% tỷ trọng trong ngành chăn nuôi. Chăn nuôi lợn hướng nạc an toàn sinh học theo hướng VIETGAHP mới chỉ có ở các trang trại quy mô lớn, đã đem lại nhiều kết quả như: giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, nâng cao chất lượng thịt, bảo đảm vệ sinh môi trường. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng cao ý thức phòng dịch, vệ sinh môi trường thì việc sớm triển khai các dự án trên, chính là lời giải cho chăn nuôi nông hộ phát triển bền vững.